Những dấu ấn chuyển đổi số tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh

16:40 08/09/2023
Cỡ chữ

(TCKT&KT online) - Xác định chuyển đổi là tất yếu với ngành giáo dục, từ rất sớm, Trường Đại học Mở TP.HCM (OU) đã chú trọng phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng hiệu quả công nghệ số trong quản lý, dạy – học, tạo được những dấu ấn sâu đậm.

Bên cạnh đó, trường còn xây dựng nền tảng dữ liệu và phổ biến tri thức trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác.

Phát triển cộng đồng, xã hội học tập

Hình thành từ Viện Đào tạo mở rộng trực thuộc Trường Cán bộ Quản lý ĐH - THCN và Dạy nghề từ năm 1990, ngày 26-7-1993 Trường Đại học Mở Bán công TP.HCM chính thức được thành lập. 

Ngày 22-6-2006 đánh dấu mốc quan trọng với việc trường chuyển thành trường Đại học công với tên gọi là Trường Đại học Mở TP.HCM. Đây cũng là thời điểm trường bắt đầu tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ và người học được chủ động đăng ký môn học trực tuyến trên mạng internet. Việc quản lý lớp học, lịch học, thời khóa biểu và các thông tin tổng thể khác của người học cũng đã được cập nhật vào hệ thống dữ liệu chung, giúp khâu quản lý học tập và giảng dạy được ổn định hơn.

Năm 2016, các chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến tại trường chính thức được triển khai sau một quá trình dài chuẩn bị, cùng với việc trường thành lập Trung tâm Đào tạo trực tuyến. Các chương trình đào tạo trực tuyến này đã đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội và cũng đánh dấu sự chuyển đổi số trong đào tạo của trường. Hệ thống học tập trực tuyến hiện đại – LMS 3.5, cùng với chương trình đào tạo được trường thiết kế theo chuẩn chất lượng quốc tế của tổ chức Quality Matters – Hoa Kỳ đã và đang giúp người học theo đuổi khát vọng học bất cứ khi nào, ở bất kỳ nơi đâu. Đến nay 100% các môn học đều sử dụng LMS trong quá trình dạy và học của trường.

“Với nền tảng và công nghệ đào tạo trực tuyến có từ trước, từ năm 2019, trường đã bắt đầu thí điểm mô hình đào tạo kết hợp (blended learning) cho sinh viên đại học chính quy tập trung. Đó là lý do nhà trường đã ứng phó một cách kịp thời trong đại dịch Covid-19, vẫn đảm bảo việc học và dạy không bị gián đoạn. Giảng viên có thể chuyển sang dạy - học trực tuyến qua LMS và các phần mềm video conference đối với các nhóm lớp có sự đồng thuận của người học”- GS.TS Nguyễn Minh Hà (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.

Đặc biệt năm 2021, tiếp tục sứ mạng phục vụ lợi ích cộng đồng, với tinh thần luôn cầu thị và đổi mới sáng tạo, trường đã nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng hệ thống VMOOCs (Vietnam Massive Open Online Courses), cung cấp miễn phí các khóa học trực tuyến mở đại chúng Việt Nam. Đây còn là một “nền tảng số”, hưởng ứng mục tiêu của Đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa”, được Chính phủ triển khai từ năm 2018.

Những dấu ấn chuyển đổi số

GS.TS Nguyễn Minh Hà nhận định, thời gian đầu chuyển đổi số, trường cũng gặp không ít khó khăn, như: Giảng viên cần thích nghi, bắt nhịp với phương pháp, kỹ năng dạy học, kiểm tra, đánh giá trên môi trường mạng; thói quen học trực tuyến đối với một số người học còn hạn chế; sự thay đổi trong phương pháp quản lý cũng như cần có chuẩn bị và đầu tư về hệ thống trang thiết bị số để đảm bảo không gian an toàn, thông suốt cho các lớp học trực tuyến.

Tuy nhiên, cùng với sự đồng lòng của tập thể, trường đã nỗ lực đạt được những kết quả tích cực, tạo được nhiều dấu ấn. Trong đó, trước tiên phải kể đến việc trường đã thúc đẩy hợp tác với nhiều đơn vị, tổ chức, như: UBND tỉnh Bình Phước, Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội, Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, Công ty VIAGS Tân Sơn Nhất và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam.

Hiện đã có hơn 15.000 học viên trên khắp cả nước và các quốc gia lân cận như Malaysia, Philippines… tham gia chương trình cử nhân trực tuyến với 15 ngành đào tạo: Marketing, ngôn ngữ Anh, luật học, luật kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị nhân lực, kinh doanh quốc tế, kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Trung Quốc, Quản lý xây dựng, Du lịch, Xã hội học, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng. Trường sẽ tiếp tục triển khai các khóa học online ngắn hạn, như khóa luyện thi TOEIC, luyện thi TOPIK tiếng Hàn, luyện thi đầu vào kiểm toán viên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của xã hội.

Thứ hai, trường đã mang lại trải nghiệm học tập cá nhân hoá thông qua phát triển các phương thức đào tạo đa dạng và linh hoạt về không gian, thời gian, phù hợp với người học ở những nền tảng kiến thức lẫn điều kiện học tập khác nhau.

“Chuyển đổi số giúp chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Trong xã hội học tập, mọi rào cản về tuổi tác được xóa bỏ, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với bài giảng mọi lúc mọi nơi. Những người học có nền tảng kiến thức khác nhau được tiếp cận kho tài nguyên giáo dục mở với từng bài giảng phù hợp. Và với những điều kiện học tập khác nhau, người học có thể nghe đi nghe lại bài giảng ở bất cứ đâu và trong bất kì thời gian nào. Dưới dạng “lớp học ảo”, người học vẫn có môi trường để trao đổi với giảng viên, làm bài tập nhóm và có một hệ thống quản lý người học. Đây cũng là giá trị cốt lõi mà nhà trường hướng đến”- GS.TS Nguyễn Minh Hà nhấn mạnh. 

Thứ ba, trường xây dựng kho học liệu miễn phí với tài liệu học tập đa phương tiện (video, slide, script..), giáo trình do trường biên soạn. Thời gian tới, trường tiếp tục mở rộng thêm nhiều khóa học miễn phí cho cộng đồng nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập – học tập suốt đời. Không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, hội nhập quốc tế và có tính liên thông cao. Tăng cường bảo mật thông tin, sao lưu dữ liệu nhằm đảm bảo an toàn cho người học và hệ thống; phát huy mạnh mẽ hơn các dịch vụ số cho người học; từ đó, sẽ xoá bỏ được rào cản không gian, thời gian học tập và tối ưu hoá các tài nguyên hữu hạn góp phần nâng cao tri thức cho cộng đồng.

Thứ tư, trường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý và phục vụ sinh viên, có thể kể đến: Hệ thống quản lý biên soạn MHTT-CDMS (Course Design Management System), Chương trình quản lý luận án thạc sĩ, triển khai thực hiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành Eoffice, Hệ thống thông tin viên chức Fsis, hoàn thiện hệ thống elosupport.ou.edu.vn, Hệ thống Edusoft.net thực hiện thanh toán thù lao giảng dạy kết hợp chấm bài, Chuyên trang thông tin học bổng, xét nghiệm học bổng trực tuyến ou.edu.vn/hocbong. Để có những thành tựu tích cực của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và phục vụ sinh viên, Nhà trường đã chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ, tối ưu hoá các quy trình hành chính, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy cho giảng viên, đào tạo giảng viên để chuẩn bị các bài giảng online cũng như blended, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT trong dịch vụ sinh viên cho viên chức trường, và đầu tư vào xây dựng, nâng cao công tác quản lý hệ thống lưu trữ dữ liệu.

Box: GS.TS Nguyễn Minh Hà (Hiệu trưởng nhà trường) nhận định, với triết lý giáo dục “nhân bản, rộng mở, thực tiễn, hội nhập”, trường xác định chú trọng thúc đẩy phát triển cộng đồng, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi công dân có cơ hội học tập. Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành Đại học thực hiện giáo dục mở, định hướng ứng dụng với chất lượng cao.

1

DH MO 1: Hệ thống VMOOCs do Trường ĐH Mở TP.HCM xây dựng, cung cấp miễn phí các khóa học trực tuyến mở đại chúng Việt Nam

2

DH MO 2: Thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, người học trực tuyến có thể học mọi lúc, mọi nơi, thuận tiện nghe đi nghe lại bài giảng.

Lệ Mỹ

 

Sudo Ecommerce
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo