Nhiều ngành hàng "phấn khởi" khi Việt Nam và Israel ký FTA
Cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn nhau
Bộ Công thương cho biết Việt Nam và Israel đã chính thức kết thúc đàm phán FTA sau 7 năm với 12 phiên đàm phán. Hai bên đã tuyên bố kết thúc đàm phán nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại Israel đầu tháng 4 vừa qua.
Sau khi hoàn tất các công việc kỹ thuật cần thiết, Việt Nam và Israel sẽ ký Hiệp định và hoàn thiện thủ tục pháp lý của mỗi nước để triển khai trong thời gian sớm nhất. Dự kiến Hiệp định được ký kết ngay trong năm nay.
Israel hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD và khẩu của Israel sang Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, các ưu đãi thuế khi hai nước ký kết FTA sẽ thúc đẩy mối quan hệ quan hệ kinh tế, thương mại song phương. Điểm đáng chú ý là cơ cấu kinh tế của hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau. Israel nổi tiếng với nền công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước, có sự sáng tạo và các công ty khởi nghiệp mạnh mẽ; trong khi đó Việt Nam có lợi thế về dệt may hay nông, lâm, thủy sản.
Đánh giá cơ hội mở ra rất lớn song vị chuyên gia này cũng khuyến cáo doanh nghiệp tìm hiểu kỹ để đáp ứng đúng và đủ nhu cầu thị trường; sớm kết nối với doanh nghiệp nước bạn để xuất khẩu trực tiếp những mặt hàng chúng ta có thế mạnh; đồng thời, chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu…
Tiếp năng lượng cho nhiều ngành hàng
Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tương đối khá sang Israel, kim ngạch quý I năm nay xấp xỉ 4 triệu USD. Vì vậy, FTA Việt Nam - Israel sẽ mở rộng hơn cánh cửa thị trường cho doanh nghiệp dệt may. Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may mong muốn Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Israel cung cấp thêm, kịp thời thông tin về thị trường, các chính sách thương mại của Israel cũng như sơ bộ các ưu đãi thuế quan giữa hai bên.
Thủy sản cũng là ngành hàng hưởng lợi nếu FTA Việt Nam - Israel ký kết. Thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản sang Israel tăng trưởng đều đặn. Năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu mực đông lạnh đạt 23,22 triệu USD và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam. Xuất khẩu tôm đông lạnh đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.
VASEP cho rằng, dù Israel trong cơ cấu xuất khẩu không chiếm tỷ trọng cao nhưng có sức mua, thanh toán cao nên vẫn còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp thủy sản khai thác. Để tăng xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp thủy sản cần lưu ý nghiên cứu kỹ thị trường để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng.
Trong lĩnh vực nông sản, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, Israel có nền nông nghiệp phát triển với công nghệ rất cao song các loại trái cây không phong phú nên Việt Nam có nhiều lợi thế hơn. Chúng ta có thể xuất khẩu thanh long, sầu riêng, vải, nhãn…
Bên cạnh đó, từ thị trường Israel, Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường xung quanh. Ví dụ ở khu vực Trung Đông đầy tiềm năng, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng gia vị như quế, hồi, hạt tiêu… cũng như tìm kiếm cơ hội ở một số thị trường ngách như Bangladesh, Pakistan...
Ở chiều ngược lại, Israel có quả lựu được đánh giá ngon nhất thế giới, lâu nay muốn vào thị trường Việt Nam phải chịu thuế cao. Nếu hai nước ký kết hiệp định thương mại tự do, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội thưởng thức trái cây này. “Nhìn chung đây là hợp tác đôi bên cùng có lợi, nông sản mình được lợi và Isarel cũng vậy”, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nói.
Nguồn: Nhiều ngành hàng "phấn khởi" khi Việt Nam và Israel ký FTA
Trúc Oanh / www.daibieunhandan.vn