Ngành thuế quyết ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn
Giám sát trọng điểm người nộp thuế có rủi ro cao
Chỉ thị nêu rõ, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp (DN) để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT), Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, tập hợp các hành vi vi phạm về hóa đơn được phát hiện qua công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra tại địa bàn, công tác điều tra của cơ quan Công an, qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua. Tổ chức trao đổi, tổng kết kinh nghiệm giữa các phòng, bộ phận thanh tra, kiểm tra trong toàn Cục Thuế để bàn biện pháp xử lý thống nhất đối với những hành vi vi phạm mới, tinh vi, phức tạp để phổ biến trong đơn vị và trong toàn ngành.
Ngành thuế "quyết" ngăn chặn gian lận trong sử dụng hóa đơn. https://tapchiketoankiemtoan.vn
Hai là, tổ chức tháng cao điểm thực hiện phòng, chống các tổ chức, cá nhân mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế: Căn cứ vào thực tế công tác quản lý tại địa phương, Cục Thuế triển khai, giao nhiệm vụ phòng chống gian lận hoàn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, thực hiện rà soát, kiểm tra hóa đơn tới từng công chức, từng đội, từng phòng quản lý người nộp thuế (NNT) và gắn với công tác thi đua, khen thưởng, cụ thể:
Trên cơ sở bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn ban hành tại Quyết định số 78/QĐ-TCT ngày 02/02/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục Thuế thực hiện lập danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro, thực hiện việc rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý thuế tại địa phương, tập trung vào những NNT có rủi ro cao như: nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình ngành nghề kinh doanh, tăng đột biến về doanh thu, không có tài sản, sử dụng số lượng lớn hóa đơn,... để đưa vào danh sách NNT phải thực hiện giám sát trọng điểm theo nội dung: Xác minh thực tế hoạt động của NNT; Kiểm tra tại cơ quan Thuế.
Trường hợp qua kiểm tra tại cơ quan Thuế mà NNT không giải trình, chứng minh được số thuế đã khai là đúng thì tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất tại trụ sở NNT theo chuyên đề chống gian lận về hóa đơn.
Trong quá trình giám sát trọng điểm, thanh tra, kiểm tra, nếu xác định NNT không phát sinh vi phạm thì đưa ra khỏi danh sách giám sát trọng điểm. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan Công an để xử lý theo quy định, đồng thời thông báo đến cơ quan Thuế liên quan và tiến hành nhập toàn bộ thông tin lên Ứng dụng xác minh hóa đơn theo quy định.
Ba là, công tác xác minh hóa đơn là một nhiệm vụ của cơ quan Thuế các cấp. Yêu cầu Cục Thuế phải tăng cường triển khai theo hướng dẫn tại Công văn số 702/TCT-CNTT ngày 11/03/2022 của Tổng cục Thuế về triển khai Ứng dụng hỗ trợ theo dõi kết quả xác minh hóa đơn tại cơ quan Thuế đảm bảo nội dung xác minh theo đề nghị. Phải chịu trách nhiệm đối với kết quả xác minh, trả lời xác minh hóa đơn đảm bảo kịp thời và đúng thời hạn.
Rà soát rao bán hóa đơn điện tử trên nền tảng không gian mạng
Bốn là, tăng cường công tác rà soát hóa đơn, đánh giá rủi ro thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan Thuế; đánh giá rủi ro tổng thể thông qua các ứng dụng đang triển khai của ngành thuế, qua thực tiễn công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, tình hình kê khai, nộp thuế,... để xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng bỏ sót các DN có rủi ro, DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm rủi ro cao và theo đúng quy định của pháp luật.
Qua công tác quản lý thuế, nắm bắt những NNT có dấu hiệu kinh doanh, khai thuế không lành mạnh, hàng hóa nhập kho không có hóa đơn, chứng từ, doanh thu bán thấp so với chi phí phát sinh để kiểm tra doanh thu kê khai thuế, kiểm tra hóa đơn, chứng từ.
Thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán HĐĐT không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng (facebook, website, zalo,...). Trên cơ sở đó, thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép HĐĐT tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của HĐĐT rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...). Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan Công an để xử lý theo quy định.
Trong quá trình rà soát, trường hợp phát hiện NNT có hành vi vi phạm về hóa đơn tại địa phương mình quản lý có giao dịch với NNT ở địa phương khác thì cơ quan Thuế có văn bản thông báo tới cơ quan Thuế quản lý NNT ở địa phương khác để kịp thời áp dụng các biện pháp quản lý thuế đối với NNT có dấu hiệu rủi ro mua bán hóa đơn để đồng bộ xử lý theo quy định, chống thất thu cho nNgân sách nhà nước.
Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, trường hợp qua thanh tra, kiểm tra hóa đơn xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện thu thập tài liệu, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý, xác minh các dấu hiệu rủi ro và đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật để chuyển đến cơ quan Công an theo quy định. Trong hồ sơ kiến nghị chuyển cơ quan Công an phải nêu rõ hành vi vi phạm, hậu quả thiệt hại, thời gian, địa điểm xảy ra hành vi vi phạm.
Xử lý nghiêm công chức lơ là, bỏ sót công việc, tiếp tay cho hoạt động mua bán hóa đơn
Năm là, tăng cường công tác quản lý cán bộ, công tác tuyên truyền đến công chức để nâng cao ý thức kỷ luật, phòng ngừa rủi ro, cụ thể:
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt là đối với trường hợp thường xuyên tiếp xúc với NNT, tránh để xảy ra tình trạng công chức thuế nhũng nhiễu, gây khó khăn cho NNT hoặc làm ngơ, tiếp tay, tham gia vào các hoạt động mua bán, gian lận về hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền thuế... Tổ chức tuyên truyền về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế theo quy định tại Điều 6 Luật Quản lý thuế năm 2019 và về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ.
Xử lý nghiêm các công chức thiếu trách nhiệm, lơ là, bỏ sót công việc; kéo dài việc xử lý để trục lợi; gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế hoặc tiếp tay cho người nộp thuế vi phạm các quy định trong công tác quản lý thuế. Thực hiện nghiêm túc quy định về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Quyết định số 2028/QĐ-BTC ngày 21/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, Quyết định số 1446/QĐ-TCT ngày 09/9/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc phê duyệt Đề án xây dựng kế hoạch thực hiện công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 30/8/2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính và các quy định có liên quan.
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức trong ngành thuế nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý thuế, kỹ năng thanh tra, kiểm tra hóa đơn để kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới về hóa đơn của các tổ chức, cá nhân mua, bán hóa đơn không hợp pháp, sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa nguyên liệu, hàng hóa. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phẩm chất đạo đức của công chức.
Sáu là, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong kỷ luật, kỷ cương hành chính. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đối với các đồng chí Chi cục trưởng và tương đương, các đồng chí Đội trưởng Đội Thuế và các chức danh lãnh đạo có liên quan thuộc đơn vị khi để xảy ra vi phạm tại đơn vị do mình phụ trách, quản lý.
Bảy là, chỉ đạo các bộ phận chức năng của cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến NNT về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế và về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ. Mỗi một công chức thuế là một kênh tuyên truyền đến NNT về việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm,... để NNT tránh tham gia vào các giao dịch mua bán hóa đơn, tạo thói quen nhận hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai thông tin tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán hóa đơn để tuyên truyền, góp phần cảnh báo, răn đe các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn.
Các cơ quan Thuế có kế hoạch, đề xuất phương án xây dựng nguồn kinh phí hoạt động phục vụ kịp thời công tác quản lý thuế theo quy định pháp luật (ví dụ: mua thông tin, chi thưởng, chống gian lận về hóa đơn,...).
Tổng cục Thuế giao Ban Quản lý rủi ro phối hợp với Cục công nghệ thông tin triển khai ngay hệ thống tự động đối chiếu dữ liệu trên Tờ khai thuế GTGT (Mẫu 01/GTGT) (doanh số mua vào, doanh số bán ra,...) với dữ liệu mua vào, bán ra trên hệ thống hóa đơn điện tử của NNT tại các kỳ kê khai thuế để phát hiện vi phạm.
Khẩn trương triển khai ứng dụng “Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro” nhằm đưa ra phương pháp quản lý hóa đơn, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kịp thời phát hiện chuỗi (hệ sinh thái) các DN được thành lập để mua, bán hóa đơn nhằm gian lận, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng nhấn mạnh, đảm bảo xử lý kịp thời NNT có hành vi gian lận, trốn thuế thông qua việc sử dụng hóa đơn nhưng không làm ảnh hưởng đến những NNT có ý thức chấp hành tốt chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định.
An Nhiên. taichinhdoanhnghiep.net.vn
Nguồn: Ngành thuế quyết ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn