Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch An: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục
Thực hiện chủ trương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Thạch An đã tham mưu để Huyện tiến sáp nhập các trường, đồng thời tăng cường đưa học sinh lớp 3,4,5 từ các điểm lẻ về trường trung tâm, để học sinh được học tập trong môi trường tốt hơn, phát triển được năng lực và phẩm chất. Sau quá trình triển khai, từ năm học 2018-2019, quy mô mạng lưới trường lớp các cấp học mầm non, tiểu học và THCS của huyện được duy trì ổn định, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Song song quá trình sắp xếp trường lớp, Phòng GD&ĐT Thạch An đã phối hợp với các phòng, ban liên quan của Huyện để rà soát hiện trạng của tất cả các trường, từ đó tham mưu giúp để UBND huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu cho dạy và học. Trong điều kiện khó khăn, huyện Thạch An cũng đã tranh thủ nguồn đầu tư từ ngân sách, từ nguồn hỗ trợ các dự án phi Chính phủ, đồng thời đẩy mạnh vận động, kêu gọi các tổ chức thiện nguyện, các đơn vị kết nghĩa, các mạnh thường quân ủng hộ, tài trợ để xây dựng trường, điểm trường…
Do nhu cầu đầu tư cho giáo dục là rất lớn nên Huyện ưu tiên nguồn lực cho các trường vùng đặc biệt khó khăn, trường trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia và nâng mức độ đạt chuẩn. Trong đó, nội dung tập trung đầu tư bao gồm: Xây dựng phòng học văn hóa, phòng học bộ môn, thư viện các trang thiết bị dạy học hiện đại như cho phòng học kết nối, phỏng tin học, phòng ngoại ngữ, máy chiếu đa năng; xây dựng các công trình phụ trợ như bếp nấu, nhà ăn bán trú, nhà tắm, nhà vệ sinh… đáp ứng đủ yêu cầu. Tính đến hết năm 2021, cơ sở vật chất các Trường trên địa bàn huyện từng bước chuẩn hóa, tỉ lệ trường học được kiên cố hóa đạt 100%, Phát triển mạng lưới trường lớp 100% các xã đều có đủ ba cấp học, đảm bảo về phòng học; có 09 trường đạt chuẩn quốc gia, đa dạng hóa các loại hình trường lớp; Huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ cao (100% trẻ 5 tuổi đến lớp, 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1; 100% học sinh 11 tuổi vào lớp 6).
Cùng với cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ với các hình thức đa dạng, phù hợp. Các trường cũng đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tăng cường tổ chức các chuyên đề ở các khối lớp, các bộ môn, tổ chức dạy học kết nối liên trường. Đến hết năm 2021, ngành giáo dục Thạch An có đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo về lượng và chất, 100% cán bộ quản lý đã được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và hoàn thành trung cấp chính trị. Các năm học gần đây, tuy bị gián đoạn bởi đợt nghỉ dịch Covid-19 nhưng Phòng GD &ĐT huyện Thạch An đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra để hoàn thành các chỉ tiêu của Huyện và Ngành Giáo dục đặt ra. Riêng năm học 2021 – 2022, các chỉ tiêu UBND huyện giao, Phòng đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch giao. Chất lượng học sinh đại trà ổn đinh, tỷ lệ học sinh lưu ban thấp hàng năm từ 1,45% đến 2,26%, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt bình quân từ 98%, học sinh tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99% trở lên, Hàng năm số học sinh có hạnh kiểm khá và tốt đạt tỷ lệ trên 98%.Thạch An luôn là một trong những huyện tốp đầu của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Cao Bằng về chất lượng giáo dục.
Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia được gắn với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở các địa phương nên có nhiều thuận lợi và đạt được những kết quả tốt. Tính đến hết năm 2021, Với quy mô 31 trường trong đó có 11 trường Mầm non, 05 trường Tiểu học, 03 trường THCS, 03 trường PTCS, 09 trường TH&THCS, trên toàn huyện (có 09 trường đạt chuẩn quốc gia). Bên cạnh đó, hoạt động thư viện nhà trường ở Thạch An được đẩy mạnh với rất nhiều cách làm hay, sáng tạo giúp học sinh rèn văn hoá đọc, phát triển kỹ năng tự học, tạo cơ hội cho thầy cô và học sinh được học tập trong một môi trường thân thiện với không gian rộng mở, phong phú, đa dạng, hiện đại. Hoạt động thư viện trở thành điểm sáng nhiều lần được Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng tổ chức cho các đơn vị mầm non trong tỉnh đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị nhà trường và tổ chức dạy học được Phòng GD&ĐT huyện Thạch An đặc biệt quan tâm và trở thành nhiệm vụ trọng tâm đột phá giúp giáo viên và học sinh tiếp cận được những nội dung, phương pháp chương trình giáo dục hiện đại một cách nhanh nhất. Hiện tại, 100% trường học và đa số điểm trường được kết nối mạng; 100% trường phổ thông được đầu tư phòng học kết nối, đa số các Trường có phòng tin học. Hình thức trực tuyến được ứng dụng trong cuộc họp, hội thảo của ngành, trong công tác bồi dưỡng giáo viên, sinh hoạt chuyên môn, dạy học kết nối.
Việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học. Các trường đẩy mạnh dạy học theo hướng nâng cao năng lực và phẩm chất, lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn hoạt động, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề nhằm khuyến khích học sinh tích cực tham gia các hoạt động học tập, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, vận dụng hiệu quả những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ để phát triển toàn diện. Cùng với đó, Phòng thực hiện đổi mới nội dung, hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục theo hướng thực chất và coi đây là khâu đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhằm tạo ra môi trường giúp học sinh phát triển toàn diện, Phòng cũng yêu cầu các trường các trường lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đẩy mạnh dạy học gắn với sản xuất kinh doanh ở địa phương. Qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh sẽ hiểu hơn về địa phương, từ đó khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương. Từ đó, tiếp thêm động lực để các em nỗ lực rèn luyện, phấn đấu cho một ngày mai có thể đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng quê hương Thạch An nói riêng và Cao Bằng nói chung ngày càng phát triển, giàu đẹp./.
PV