Nâng cao chất lượng đánh giá văn bản trong hoạt động kiểm toán
Đề tài do Ths. Nguyễn Anh Vân - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực III và Ths. Phan Thanh Hải - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II đồng chủ nhiệm.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Ban chủ nhiệm đề tài cho biết, trải qua gần 30 năm hoạt động, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, thông qua hoạt động đánh giá văn bản quản lý nhà nước (QLNN), KTNN đã phát hiện và kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý trái pháp luật hoặc không phù hợp với thực tế nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công.
“Việc đánh giá các quyết định hay biện pháp quản lý từ đó đưa ra các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật phải trở thành yêu cầu quan trọng nhất trong công tác kiểm toán nói chung và trong khi kết thúc những cuộc kiểm toán cụ thể nói riêng đối với cơ quan KTNN, đoàn kiểm toán và từng kiểm toán viên” - ông Nguyễn Anh Vân cho biết.
Đề tài kết cấu gồm ba chương, với mục tiêu xây dựng Quy trình đánh giá văn bản QLNN trong tổ chức thực hiện kiểm toán của KTNN và các giải pháp tổ chức thực hiện, nhằm đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm, cũng như đánh giá từ thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN, Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất quy trình đánh giá văn bản quản lý trong hoạt động kiểm toán bao gồm các bước: Xác định văn bản cần đánh giá; Thực hiện đánh giá; Tổ chức họp trao đổi, thảo luận về nội dung trái pháp luật của văn bản; Kiến nghị xử lý văn bản và cuối cùng là Kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật.
Tại Hội thảo, các ý kiến đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài về giá trị khoa học và thực tiễn, đặc biệt là đề xuất xây dựng quy trình đánh giá văn bản quản lý trong hoạt động kiểm toán, từ đó giúp nâng cao chất lượng đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán... Đồng thời, các ý kiến cũng góp ý để Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, hoàn thiện đề tài.
Thông tin thêm về đề xuất xây dựng quy trình đánh giá văn bản quản lý trong hoạt động kiểm toán Ths. Nguyễn Anh Vân cho biết, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm, cũng như vận dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN, Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất quy trình đánh giá văn bản quản lý trong hoạt động kiểm toán bao gồm các bước: Xác định văn bản cần đánh giá; thực hiện đánh giá; tổ chức họp trao đổi, thảo luận về nội dung trái pháp luật của văn bản; kiến nghị xử lý văn bản và cuối cùng là Kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật. "Mục đích thông qua đó để tạo thuận lợi cho kiểm toán viên trong thực hiện kiểm toán, cũng như nâng cao chất lượng đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán" - ông Vân cho biết.
Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, Ths. Nguyễn Anh Vân khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài trước khi trình Hội đồng nghiệm thu. “Trên cơ sở đề tài, nhóm nghiên cứu mong muốn xây dựng được quy trình đánh giá văn bản quản lý trong hoạt động kiểm toán, từ đó ứng dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian sớm nhất” - Ths. Nguyễn Anh Vân nhấn mạnh./.
Nguồn: Nâng cao chất lượng đánh giá văn bản trong hoạt động kiểm toán
https://tapchiketoankiemtoan.vn/