Kiểm toán để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

11:52 30/04/2023
Cỡ chữ
ts
TS Võ Trí Thành: Vai trò của KTNN không chỉ là xem DN có đảm bảo tính tuân thủ không mà điều quan trọng hơn là giúp DN rút ra được bài học về quản trị cách thức đầu tư, quản trị rủi ro. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp đặc biệt khó khăn, lao động bị giảm giờ làm

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Kiểm toánTS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho biết: Từ nửa cuối năm 2022, DN đã gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn này đến từ cả bên ngoài và bên trong.

Về các yếu tố bên ngoài hay còn gọi là những cơn gió ngược, nền kinh tế thế giới suy giảm, trong đó có sự suy giảm của nhiều quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư của Việt Nam. Điều này đã gây ảnh hưởng tới một số ngành, lĩnh vực trong nước, phản ánh rất rõ qua ngành công nghiệp.

Bề nổi của ngành công nghiệp là xuất khẩu, đơn đặt hàng giảm mạnh, xuất khẩu và thương mại giảm sâu. Sự suy giảm này đã xuất hiện ở quý IV/2022 và đặc biệt giảm hơn nữa ở quý I/2023.

Cơn gió ngược thứ hai là các điều kiện tài chính, tiền tệ. Trước áp lực lạm phát, lãi suất tăng mạnh. Việc tiếp cận tài chính khó, chi phí tài chính cũng giảm.

Bên cạnh đó, thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định khác mà nếu quản trị không khéo léo, rất có thể, DN sẽ dễ rơi vào “cạm bẫy”, khủng hoảng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, gây nhiều tốn kém, thậm chí phải dừng sản xuất - kinh doanh.

det-may
Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN vượt qua thách thức, khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo nhiều việc làm cho NLĐ. Ảnh: TTXVN

Trong nước, các điều kiện tài chính tiền tệ trở nên khắc nghiệt hơn. Điều này thể hiện ở thanh khoản, áp lực lãi suất, tỷ giá sau câu chuyện lạm phát và thị trường trái phiếu DN ở khu vực bất động sản. Sự suy giảm của thị trường bất động sản ảnh hưởng nhiều đến xây dựng và sản xuất kinh doanh của hàng chục ngành khác nhau.

Vấn đề nữa là rất nhiều dự án đầu tư công cho cơ sở hạ tầng nhưng việc giải ngân lại rất chậm. Yếu tố này làm khó thêm các điều kiện tài chính, tiền tệ. DN vì thế mà gặp nhiều khó khăn trong quý IV/2022 và đặc biệt là quý I/2023.

Điểm rõ nhất trong hoạt động sản xuất - kinh doanh quý I/2023 là tăng trưởng thấp, đặc biệt thấp ở một số trung tâm kinh tế của Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam Bộ.

Có 2 chỉ số quan trọng: Một là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) từ tháng 10/2022 đến nay đều dưới 50, ngoại trừ tháng 02/2023. Hai là số DN thành lập mới hoặc quay lại làm việc 3 tháng đầu năm nay đều thấp hơn số DN rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh không chỉ bây giờ mà giai đoạn trước mắt sắp tới sẽ rất khó khăn với DN và nền kinh tế.

Khi tăng trưởng thấp, sản xuất - kinh doanh khó, việc làm, thu nhập của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế, nhiều DN đã phải giảm giờ làm luân phiên đối với NLĐ, thậm chí cắt giảm nhân công.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, phát huy hiệu quả hoạt động kiểm toán

Theo TS. Võ Trí Thành, để thị trường việc làm phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và NLĐ.

Rõ ràng, đây vừa là bài học vừa là sự cần thiết hiện nay. Bài học gần đây vẫn còn. Hỗ trợ DN không phải là vấn đề mới trong giai đoạn khó khăn, câu chuyện này đã được đề cập những năm 2020-2021, khi nước ta chịu tác động của Covid-19.

Thời điểm đó, nhiều chương trình hỗ trợ đã được triển khai như hỗ trợ trực tiếp cho DN, hỗ trợ tăng tổng cầu, kích cầu, hỗ trợ cho NLĐ. Bài học ở đây là cách thức triển khai thực hiện chính sách.

Năm 2022-2023, Việt Nam có cả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gần 350.000 tỷ đồng. Trong đó, rất nhiều lĩnh vực, đối tượng được hỗ trợ như: Phát triển hạ tầng, y tế, NLĐ, DN…

Tuy nhiên, có thể thấy, từ năm 2022 đến nay, việc thực hiện các chính sách này chưa được hiệu quả, còn rất xa so với mong đợi. Hiện nay, những giải pháp đã triển khai cần tiếp tục làm như: Giãn, hoãn thuế, khoanh nợ, giãn nợ. Chúng ta cũng đang đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), điều này rõ ràng phải làm. Vấn đề làm sao triển khai cho linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả, chính sách phải thực sự đi vào cuộc sống.

Cùng với các chính sách hỗ trợ, việc ổn định vĩ mô, duy trì hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và thị trường cũng cần được chú trọng. Nếu điều kiện bên ngoài thuận lợi thì tiếp tục giảm lãi suất. Trên thực tế, lãi suất ít nhiều đã bắt đầu giảm.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh đầu tư công cũng rất quan trọng bởi vì đầu tư công cho cơ sở hạ tầng lan tỏa rất tốt đến lĩnh vực xây dựng.

Một điểm mà chúng ta cần lưu ý nữa là giải quyết vấn đề pháp lý để hỗ trợ tài chính tiền tệ, tái cấu trúc thị trường bất động sản. Hiện nay, hàng trăm dự án đang ách tách cần được xem xét lại để triển khai nếu chúng thực sự thích hợp cho phát triển và phù hợp về mặt pháp lý.

Vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DN thể hiện ở ba chiều cạnh quan trọng. Đó là: Đánh giá tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật của DN; hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị, nhất là năng lực quản trị rủi ro trong thời điểm rất khó khăn hiện nay và góp phần vào việc hoàn thiện chính sách cũng như các khuôn khổ pháp lý.

TS. VÕ TRÍ THÀNH 

Việc giải quyết những vấn đề trên cùng với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sẽ giúp DN phục hồi, phát triển, đảm bảo việc làm, an sinh cho NLĐ. Trong bối cảnh DN và nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động kiểm toán của KTNN phải góp phần giúp DN vượt qua cách thách thức, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Vai trò của KTNN không chỉ là xem DN có đảm bảo tính tuân thủ không mà điều quan trọng hơn là giúp DN rút ra được bài học về quản trị cách thức đầu tư, quản trị rủi ro.

Mặt khác, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN phải đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, chính sách. Ngay ở giai đoạn này, rất nhiều chính sách chúng ta vừa trao đổi đã được triển khai trong những năm qua và vẫn đang làm hiện nay.

Thực tế, không phải chính sách nào cũng được triển khai tốt. Chính sách có thể đúng đắn hoặc là còn bất cập, vấn đề thực thi ra sao. Hoạt động kiểm toán của KTNN phải góp phần làm rõ những vấn đề đó.

Việc thực hiện tốt ba chiều cạnh nêu trên sẽ góp phần giúp DN quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính an toàn, minh bạch, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động./.

Nguồn: Kiểm toán để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

https://tapchiketoankiemtoan.vn/

Tuấn Anh
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo