Khủng hoảng ngân hàng khu vực Mỹ sẽ lan rộng?
Ảnh minh hoạ./tapchiketoankiemtoan
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu (4/5) tiếp tục chứng kiến cổ phiếu các ngân hàng khu vực bị bán tháo - dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư lo sợ rằng sẽ có những quân bài domino tiếp theo đổ xuống trong cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến 4 nhà băng đổ vỡ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Vụ sụp đổ của ngân hàng Silvergate Bank hồi đầu tháng 3 không gây nhiều chú ý, nhưng vụ đổ Silicon Valley Bank (SVB) sau đó vào ngày 10/3 đã gây nên một cơn hoảng loạn thực sự. SVB “sập tiệm” sau khi người gửi tiền ồ ạt tới rút, khiến ngân hàng này đứt thanh khoản. Giới phân tích xem đây là một trường hợp kinh điển của việc ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng. Nối gót SVB, một ngân hàng khác là Signature Bank cũng đổ vỡ không lâu sau đó trong tháng 3 vì bị rút tiền quá mạnh
KHI NỖI SỢ HÃI BÁM RỄ SÂU
7 tuần sau, mặc nỗ lực can thiệp của Chính phủ Mỹ để ngăn sự tháo chạy của tiền gửi khỏi các ngân hàng và tăng cường thanh khoản cho hệ thống, nỗi sợ hãi dường như đã bám rễ sâu ở Phố Wall, và giờ đây có nguy cơ tự lớn lên.
Hôm thứ Hai tuần này, First Republic là ngân hàng Mỹ tiếp theo sụp đổ trong năm nay, và đã được ngân hàng JPMorgan Chase mua lại theo sự sắp xếp của nhà chức trách. Sau đó, mối lo của nhà đầu tư hướng tới PacWest Bancorp, một ngân hàng khu vực khác ở California.
Phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu PacWest giảm hơn 50% sau khi có tin ngân hàng này đang cân nhắc các lựa chọn chiến lược bao gồm bán lại. Các cổ phiếu ngân hàng khu vực khác cũng bị bán tháo theo, thể hiện qua việc cổ phiếu quỹ SPDR S&P Regional Bank ETF giảm hơn 5%.
Cổ phiếu hai ngân hàng khu vực đang gây nhiều lo ngại khác là Western Alliance và Zions Bancorporation giảm tương ứng 38% và 12%. Trong đó, cổ phiếu Western Alliance có nhiều thời điểm bị ngừng giao dịch.
Về phần Western Alliance, tờ Financial Times dẫn nguồn thạo tin nó rằng ngân hàng ở bang Arizona này đang cân nhắc một kế hoạch bán lại. Western Alliance phủ nhận thông tin này, nhưng không thể tránh được một phiên bán tháo. Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã giảm hơn 65%.
Tương tự, ngân hàng First Horizon cũng đáng chao đảo và phải huỷ một kế hoạch sáp nhập 13 tỷ USD với ngân hàng TD Bank của Canada.
“Chúng ta đang chứng kiến một mối lo lớn rằng sắp có sự đứt gãy nào đó. Mối lo sợ về rủi ro lây lan chẳng hề giảm bớt”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nói với hãng tin CNN.
Loạt ngân hàng khu vực đang lung lay có nhiều điểm tương tự như những ngân hàng đã đổ vỡ trước đó trong năm nay. Tuy nhiên, có một điểm tích cực là những nhà băng này dường như không phụ thuộc nhiều vào tiền gửi không được bảo hiểm như những ngân hàng đã “sập tiệm”.
PacWest ngày 4/5 cho biết việc khách hàng rút tiền đã chậm lại, tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm đạt 75% và ngân hàng vẫn đang còn trong tay lượng tiền mặt dồi dào.
“PacWest không bị rút tiền mạnh bất thường sau vụ bán lại First Republic Bank và các tin tức khác. Tiền mặt của chúng tôi và thanh khoản sẵn có vẫn dồi dào và vượt quá lượng tiền gửi không được bảo hiểm, đạt tỷ lệ 188%”, một tuyên bố của ngân hàng cho biết.
Theo ông Moya, vào thời điểm bình thường, những con số này lẽ ra đã đủ để trấn an nhà đầu tư. Nhưng bây giờ không phải là lúc bình thường. “Ngay cả khi những con số không tệ, một khi thị trường đã để mắt đến bạn, thì trò chơi kết thúc”, nhà phân tích nói.
Nhà đầu tư nổi tiếng, tỷ phú Bill Ackman đồng tình với quan điểm của ông Moya về nỗi sợ hãi trên thị trường tài chính Mỹ hiện nay. Trong một dòng tweet ngày 4/5, ông Ackman nói các ngân hàng khu vực nói chung đang gặp vấn đề. “Niềm tin vào một định chế tài chính phải mất nhiều thập kỷ mới gây dựng được, nhưng có thể bị phá huỷ chỉ trong vài ngày. Khi một quân bài domino đổ xuống, ngân hàng yếu nhất tiếp theo bắt đầu chao đảo”, ông Ackman viết.
CÁC NGÂN HÀNG KHU VỰC ĐỢI MỘT “PHÉP MÀU”
Theo CNN, ông Ackman và nhiều chuyên gia đã đề xuất một giải pháp cho vấn đề là Chính phủ Mỹ nâng giới hạn bảo hiểm tiền gửi từ mức 250.000 USD hiện nay. Mức trần này chỉ bằng một phần nhỏ so với lượng tiền mà nhiều doanh nghiệp phải có trong tài khoản để phục vụ cho hoạt động hàng ngày.
Nhưng một sự thay đổi như vậy đòi hỏi phải có sự ủng hộ của cả hai đảng trong Quốc hội. Và ở thời điểm hiện tại, thị trường không kỳ vọng điều đó.
Ngoài ra, các ngân hàng còn đang đương đầu với nguy cơ suy thoái kinh tế và môi trường lãi suất cao sau 10 lần nâng lãi suất liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, một trở ngại tâm lý khổng lồ có thể được giải toả nếu Quốc hội Mỹ giải quyết được cuộc khủng hoảng trần nợ.
Các ngân hàng khu vực nắm giữ danh mục đầu tư không đa dạng. Nhiều ngân hàng nắm giữ tỷ trọng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ, và chính đây là lý do họ rơi vào rắc rối khi lãi suất tăng.
Giáo sư Robert Hockett, Đại học Cornell
Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo rằng Chính phủ Mỹ sẽ chạm trần nợ vào khoảng đầu tháng 6 trừ khi Quốc hội tăng trần nợ. Một vụ vỡ nợ cấp quốc gia của Mỹ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không kém cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hoặc có thể tồi tệ hơn. Nhiều nhà phân tích cho rằng trần nợ là câu hỏi lớn nhất hiện nay đối với thị trường.
“Khả năng 90% là chúng ta sẽ không vỡ nợ đúng không? Đúng. Nhưng với các bên liên quan như thế này, tôi vẫn lo lắng”, ông Moya nói.
Làm thế nào để tất cả điều này kết thúc? Nếu không có “phép màu” đến từ Washington DC, triển vọng cho các ngân hàng khu vực là không hề tốt đẹp chút nào.
SẼ CÓ THÊM NHỮNG VỤ ĐỔ VỠ?
Đang có quá nhiều sự bi quan ở Phố Wall, và các ngân hàng nhỏ hơn sẽ còn bị nhà đầu tư “vùi dập”. PacWest rơi vào tình cảnh hiện nay không phải vì ngân hàng này có những khoản đầu tư xấu hay mắc sai lầm trong công tác quản lý, mà chỉ bởi PacWest là cái tên tiếp theo trong danh sách những nhà băng bị giới đầu tư cho vào tầm ngắm - theo các nhà phân tích.
Việc các ngân hàng khu vực bị dồn vào chân tường sẽ có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Mỹ, vì những ngân hàng nhỏ thường là nguồn cung cấp vốn và chuyên môn cụ thể theo từng lĩnh vực ngành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những thứ mà các doanh nghiệp này không thể có được từ những ngân hàng khổng lồ ở Phố Wall như JPMorgan Chase hay Bank of America.
Sự co cụm là một vấn đặc biệt nguy hiểm ở Mỹ vào thời điểm này, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thúc đẩy ngành sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng trong nước.
“Chúng ta đang cố gắng hồi sinh ngành sản xuất trong nền kinh tế, để phân biệt với các lĩnh vực tài chính hoá. Và một trọng điểm của nỗ lực đó là các ngân hàng khu vực. Các ngân hàng Phố Wall chú trọng hơn đến nền kinh tế toàn cầu và các hoạt động đầu cơ ở nhiều dạng khác nhau”, giáo sư Robert Hockett, Đại học Cornell nhận định với CNN.
Theo ông Hockett, sự chuyên biệt của các ngân hàng khu vực đang tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chúng ta đang chứng kiến: các ngân hàng khu vực nắm giữ danh mục đầu tư không đa dạng. Nhiều ngân hàng nắm giữ tỷ trọng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ, và chính đây là lý do họ rơi vào rắc rối khi lãi suất tăng.
Một vấn đề nữa là chẳng ai muốn mua lại một ngân hàng đang lung lay, cho dù ở mức giá rẻ, vì người ta có thể mua với cái giá bèo bọt hơn nhiều sau khi ngân hàng đó đổ vỡ, cộng thêm bảo lãnh thua lỗ từ Chính phủ Mỹ.
Điều này có nghĩa là rất có khả năng sẽ có thêm những vụ sụp đổ ngân hàng tiếp theo, và Phố Wall sẽ còn bị đè nặng bởi nỗi sợ hãi trong những tuần và tháng tới.
An Huy/vneconomy.vn