Hương vị Tết của người Mông xã Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình)
Trẻ em trong ngày Tết của người Mông
Với đồng bào nơi đây, Tết vô cùng ý nghĩa bởi đó là ngày gia đình đoàn viên, là dịp nghỉ ngơi sau những ngày dài lao động hăng say, vất vả. Để chuẩn bị cho ngày Tết, các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ, miệt mài trên đôi tay khéo léo của mình, hoàn thiện nốt đường thêu, nút chỉ trên bộ váy, áo mới để người lớn và các em nhỏ có áo diện Tết.
Nếu như người Kinh và một vài dân tộc khác, ngày Tết không thể thiếu bánh chưng thì với người Mông ngày tết không thể thiếu bánh dầy. Bánh dày thể hiện sự công phu của những con người quanh năm gắn bó với ruộng nương, gói ghém những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với người Mông bánh dầy tròn tượng trưng cho mặt Trăng và mặt Trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Bánh dầy để cúng ma nhà và cúng “Ntù” (Trời). Dịp Tết, nhà nào cũng cố gắng gói thật nhiều bánh, vừa để gia đình ăn, vừa để tiếp khách và biếu họ hàng. Người Mông chuẩn bị Tết từ ngày 30, dọn dẹp nhà cửa, giã bánh dày, thịt gà, thịt lợn cúng tổ tiên.
Gói bánh dày ngày Tết của người Mông
Đặc biệt trong ba ngày Tết chính từ mùng 1 đến mùng 3, người Mông chỉ ăn các món bánh và thịt, tuyệt đối không ăn rau. Vì theo quan niệm của người Mông, không ăn rau để tránh trong năm mới đi làm nương, làm rẫy cỏ mọc nhiều, mùa màng thất thu, chăn nuôi trâu bò không được thuận.
Ngày 30 Tết, các gia đình người Mông mổ lợn, gà để cúng trời và cúng tổ tiên cùng với những chiếc bánh dày, những chai rượu ngô được bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên, làm bài vị cúng. Buổi tối người dân tổ chức cúng, cầu cho con cái, gia đình mạnh khỏe, lúa đầy nương, gạo đầy nhà, trâu bò lợn gà đầy sân rồi cùng nhau uống rượu, ôn lại những chuyện cũ. Ngày Tết, nhà nào trong bản cũng có rượu ngô được nấu từ trước Tết hàng tháng.
Trong những ngày Tết, không thể không nói đến lễ hội“Gầu tào” (Hội cầu phúc). Một gia đình trong bản, nếu hay đau ốm hoặc chậm có con thì mùng 2 đi dựng một cây Nêu lớn ở bãi cỏ đầu bản. Hội này tiếng là do một gia đình tổ chức (gia đình gọi là chủ nêu) nhưng thật ra đó là một lễ hội của cả cộng đồng, thậm chí khi bản này dựng cây nêu, người bản khác cũng đến dự hội. Hội “Gầu tào” nhằm tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, gia súc sinh sôi đầy đàn; cầu cho con cháu mạnh khỏe. Hội có các trò chơi mang đậm bản sắc như ném Pao, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, thổi kèn môi, kèn lá, múa khèn… đây là phần hội chính thu hút hầu như mọi thành phần, lứa tuổi tham gia và kéo dài trong nhiều ngày.
Nếu có dịp bạn đến bản Mông trong thời gian này, bạn sẽ được say trong chất men ngọt lừ của ngụm rượu ngô thơm nồng, chếnh choáng trong men xuân ấm áp của đất trời, trong tiếng sáo, tiếng khèn mừng một năm mới ấm no, hạnh phúc... thấy một cuộc sống no ấm, đủ đầy của bà con, cảm nhận được sự nồng hậu, chân chất của con người nơi đây để thêm hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Mông vẫn đang từng ngày được bảo tồn và phát huy.
Lễ hội Gầu Tào
khudulichhohoabinh.vn