Hưng Thịnh Incons: Dòng tiền kinh doanh âm nghìn tỷ, tăng cường vay nợ ngân hàng
Ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hưng Thịnh Incons
Hưng Thịnh Incons là đơn vị tổng thầu chủ lực đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái bất động sản của Tập đoàn Hưng Thịnh. Công ty được niêm yết trên trên Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với mã chứng khoán là HTN.
Dòng tiền kinh doanh âm nghìn tỷ
Theo báo cáo, tính đến giữa năm 2022, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Hưng Thịnh Incons âm tới 1.187 tỷ đồng (cùng kỳ âm 266 tỷ đồng), tương đương tăng 77,5%. Nguyên nhân tình trạng nêu trên là do sự gia tăng đột biến của các khoản phải thu lên mức 1.607,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 chỉ ở mức 383 tỷ đồng). Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận chỉ dương 61 tỷ đồng.
Cuối tháng 6.2022, tiền thu từ đi vay của doanh nghiệp này đã lên tới 2.239,4 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ, tương đương vay thêm hơn 527 tỷ. Cũng vì đi vay, Hưng Thịnh Incons phải trích 1.312 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.
Về hoạt động tài chính, Hưng Thịnh Incons ghi nhận khoản doanh thu giảm tới 30,8% xuống còn 36 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Hưng Thịnh Incons cũng có doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.245 tỷ đồng, tăng khoảng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, Hưng Thịnh Incons ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 129 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Nợ ngân hàng, nợ phát hành trái phiếu với số tiền “khủng”
Ghi nhận Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2022 (đã soát xét) của Hưng Thịnh Incons (HTN), hết nửa năm 2022, khoản phải thu ngắn hạn của Hưng Thịnh Incons lên tới 7.024 tỷ đồng, tăng 21,8% so với thời điểm 31.12.2021. Hàng tồn kho của doanh nghiệp đạt 862 tỷ đồng. Như vậy các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm tới 89 % khối tài sản của Hưng Thịnh Incons.
Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm tới 89 % khối tài sản của Hưng Thịnh Incons.
Tại thời điểm 30.6.2022, tổng tài sản của Hưng Thịnh Incons hơn 8.852 tỷ đồng, tăng 1.164 tỷ đồng (tương đương 13,2 %) so với thời điểm 31.12.2021. Nợ phải trả của Hưng Thịnh Incons là hơn 7.213 tỷ đồng, chiếm 81,4% so với tổng tài sản. Trong khi đó, tại thời điểm 30.6.2022, ghi nhận vốn chủ sở hữu của HTN đang ở mức hơn 1.638 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 4,4 lần.
Trong số nợ phải trả của Hưng Thịnh Incons, tập trung chủ yếu vào khoản nợ ngắn hạn với hơn 7.200 tỷ đồng. Đặc biệt là khoản vay ngắn hạn của Hưng Thịnh Incons lên mức 2.899 tỷ đồng, tăng 32,4% so với hồi đầu năm.
“Chủ nợ” lớn nhất hiện nay của Hưng Thịnh Incons là các ngân hàng
Theo đó, HTN vay ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TP Bank) với giá trị hơn 712 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 500 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) 443,6 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) 309,5 tỷ đồng,…
Ngoài ra, Hưng Thịnh Incons đang có khoản nợ gần 600 tỷ đồng do phát hành trái phiếu. Cụ thể, khoản trái phiếu do Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt tổ chức thu xếp phát hành có giá trị 300 tỷ đồng, lãi suất 10,5 %/năm, đáo hạn ngày 29.9.2022.
Trong số các tài sản thế chấp của khoản trái phiếu này có 25 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land thuộc sở hữu của Hưng Thịnh Incons và ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hưng Thịnh Incons. Khoản trái phiếu thứ 2 có giá trị gần 300 tỷ đồng cũng có tài sản thế chấp là 37,5 triệu cổ phiếu Công ty Hưng Thịnh Land thuộc sở hữu của Hưng Thịnh Incons.
PV