Hành lang kinh tế Đông-Tây đánh thức tiềm năng kinh tế Hướng Hóa, Quảng Trị
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo./tapchiketoankiemtoan.vn
Cơ hội từ Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)
Nhận thấy lợi thế về tuyến đường xuyên Á gần và thuận lợi nhất để có điều kiện mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, tỉnh Quảng Trị đã nâng cấp Cửa khẩu Lao Bảo thành cửa khẩu quốc tế và hình thành Khu KTTMĐB Lao Bảo vào năm 1998 với diện tích hơn 5.800 ha, thu hút 71 dự án với tổng số vốn đầu tư 7,7 nghìn tỉ đồng.
Từ đó đến nay, mặc dù qua nhiều thăng trầm, nhưng có thể khẳng định chính việc khơi thông tuyến EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và hình thành Khu KTTMĐB Lao Bảo có những tác động tích cực đến việc khởi động một hành trình hội nhập kinh tế và đánh thức công cuộc khai thác lợi thế do EWEC mang lại cho Hướng Hóa.
Sự phát triển của du lịch do khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động không chỉ ở khu vực cửa khẩu mà còn ở các vùng lân cận, các khu trung tâm mua sắm. Trao đổi thương mại thông qua các khu kinh tế cửa khẩu theo đó gia tăng, góp phần phát triển kinh tế, du lịch Quảng Trị.Để có những bước phát triển về du lịch biên giới cửa khẩu.
Từ lợi thế trên EWEC và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, chủ trương của Bộ Chính trị và quyết tâm của Chính phủ hai nước cho phép lựa chọn và thiết lập một khu vực chung áp dụng thí điểm những chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, mở rộng giao lưu và hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế.
Đến nay, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào chỉ duy nhất khu vực cửa khẩu Lao Bảo-Densavan đã thành lập hai khu kinh tế (Khu KTTMĐB Lao Bảo/Việt Nam và khu thương mại biên giới Densavan/ Lào), mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thương mại và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hai khu kinh tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực hai bên biên giới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet. Đặc biệt, đô thị cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã tạo lập được hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu SX-KD của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đời sống nhân dân trong khu vực.
Một góc thị trấn Lao Bảo./tapchiketoankiemtoan.vn
Kinh tế khởi sắc
Hướng Hóa có nhiều lợi thế về diện tích tự nhiên lên đến trên 115.000 ha, đất ba dan rộng lớn, màu mỡ, thời tiết, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Hướng Hóa có tuyến Quốc lộ 9 đi qua và tuyến giao thông nội vùng tương đối thuận lợi. Tài nguyên rừng và khoáng sản phong phú, có tiềm năng khai thác lâu dài.
Theo đó, bên cạnh hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây cà phê, sắn, chuối… huyện đã có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ theo hướng chế biến gắn với vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và thân thiện với môi trường.
Trên địa bàn huyện hiện có 15 cơ sở chế biến cà phê sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ chế biến tiên tiến, có nhà máy chế biến tinh bột sắn chất lượng cao. Huyện cũng chú trọng phát triển cơ sở chế biến và bảo quản nông sản, cưa xẻ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, sản xuất săm lốp ô tô, xe máy, nước tăng lực, gạch tuynel… góp phần đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 41 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 41.686 tỉ đồng, trong đó có 29 dự án năng lượng. Các di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo, Cứ điểm xe tăng Làng Vây được tôn tạo, phục dựng.
Các điểm du lịch tâm linh như Bảo tháp Khe Sanh, Cao điểm 689... được xây dựng. Hệ thống thác nước ở xã Hướng Phùng, Tân Long, Hướng Việt; hệ thống hang động ở Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, suối Tà Đủ ở xã Tân Hợp; hồ Tân Độ... được khai thác. Những “cánh đồng điện gió” trên địa bàn huyện và những vườn hoa tập trung, mô hình homestay dần hình thành đang trở thành điểm đến của đông đảo du khách gần xa, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Trong tương lai gần, sự phát triển vượt bậc của huyện Hướng Hóa đang gắn với việc khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương, nhằm phát triển Khu KTTMĐB Lao Bảo theo tiến trình xây dựng khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia, hình thành khu thương mại xuyên biên giới Lao Bảo Densavan.
Thu hút đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ xuyên biên giới gắn liền với định hướng phát triển đô thị Khe Sanh - Lao Bảo. Đầu tư hoàn thiện đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Hỗ trợ thu hút kêu gọi đầu tư đối với các dự án cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo…
Đoàn Toản(t/h)
https://tapchiketoankiemtoan.vn