Hàng hóa có hạ nhiệt theo giá xăng?
Giá xăng dầu giảm lần thứ 3 liên tiếp./tapchiketoankiemtoan.vn
Mong giá hàng hóa giảm dần
Chiều ngày 11/5, giá các mặt hàng xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 3 liên tiếp, mức giảm với xăng là hơn 1.300 đồng/lít, dầu diesel 600 đồng/lít. Sau khi giảm, xăng E5 RON92 về 20.130 đồng/lít, xăng RON 95-III về mốc 21.000 đồng/lít, dầu diesel còn 17.653 đồng/lít. Giá xăng đang về mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua (từ tháng 9.2021). Như vậy, trong 20 ngày (tính từ 21/4 đến nay), xăng có 3 lần giảm giá với tổng mức giảm hơn 3.000 đồng/lít.
Phấn khởi với thông tin giá xăng giảm, chị Đinh Thu Huyền (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Người dân rất quan tâm đến giá điện, giá xăng, dầu. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nếu mặt hàng nào giảm được thì cũng là điều rất mừng. Đặc biệt giá xăng, dầu tác động đến hầu hết giá các mặt hàng khác.
Anh Trần Việt Hùng (Khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội) cho hay: “Tôi đi xe ô tô cá nhân nên giá xăng giảm hơn 1.000 đồng/lít là giảm được rất nhiều. Mong giá xăng, dầu giảm thì cũng cần kéo giá các mặt hàng khác xuống nữa. Chi tiêu sinh hoạt ngày càng đắt đỏ hơn trong khi người dân việc làm khó khăn, thu nhập không tăng”.
Còn chị Tú Quỳnh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giá nhiều loại rau xanh và thực phẩm chế biến sẵn như: sữa, mì ăn liền, muối, nước mắm… đều tăng đáng kể trong thời gian qua. “Mỗi thứ tăng một chút và đều vin vào giá xăng, điện, giá nước. Giá xăng giảm thì những mặt hàng này có về mức cũ không?”- chị Quỳnh băn khoăn.
Việc giá xăng, dầu liên tiếp giảm là tin vui với người dân trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đối diện nhiều thách thức. Nhu cầu tiêu dùng của người dân đang thắt chặt do thu nhập không tăng, doanh nghiệp (DN) cũng khó khăn bộn bề vì thiếu đơn hàng. Do vậy, giá xăng giảm đồng nghĩa giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ giảm theo và kích cầu tiêu dùng, góp phần hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế xoay chiều trong thời gian tới.
Chị Nguyễn Thanh Huyền - chủ một gian hàng kinh doanh thực phẩm ở toà nhà The Terra An Hưng (quận Hà Đông) nhẩm tính: 80% hàng hoá được bày bán ở cửa hàng là đặc sản vùng núi Tây Bắc, một ít hoa quả là hàng sạch có chứng nhận OCOP ở miền Tây. Do vậy, tính ra chi phí vận chuyển hàng hoá của cửa hàng rất lớn. “Khi giá xăng tăng, nhìn bảng kê chi tiết sốt ruột. Mấy lần gần đây, giá hạ nên cửa hàng cũng tiết kiệm được ít nhiều chi phí. Mà cửa hàng giảm được tiền vận chuyển thì giá bán mỗi quả xoài, bó rau rừng cũng giảm. Tính ra mỗi túi rau, mỗi kg xoài, mỗi kg nếp nương chỉ giảm chừng mấy trăm đồng thôi nhưng cả người mua lẫn người bán cũng sẽ thấy vui hơn” - chị Huyền nói.
Đồng tình, anh Trần Văn Hiệp - chủ một đơn vị kinh doanh xe đường dài, xe liên tỉnh chia sẻ: việc xăng, dầu hạ nhiệt là tín hiệu vui đối với cộng đồng DN, nhất là DN ngành vận tải. “Trước mắt đây là tín hiệu tốt, giúp DN dễ thở phần nào. Song giá dầu thế giới vẫn tiếp tục diễn biến thất thường, nên cứ biết giá giảm ngày nào là vui ngày đó. Giá xăng giảm thì báo giá đi lại cho hành khách cũng mềm hơn” – anh Trần Văn Hiệp nói.
Hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh
Thực tế, giá xăng, dầu giảm mạnh không chỉ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ. Thế nhưng các chuyên gia giá cả, thương mại đều tỏ ra khá thận trọng. Nhiều ý kiến cho rằng chưa vội lạc quan về cơ hội mua hàng hóa, dịch vụ giá rẻ nhờ xăng rẻ. Theo đó, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng DN và người dân đang chịu đựng mức giá xăng từ 20.000 - 23.000 đồng/lít, nay giá về 20.000 - 21.000 đồng/lít là thấy “nhẹ nhõm” hơn nhiều. Giá xăng, dầu đã về ngưỡng chấp nhận được của DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức giá này có ổn định hay biến động thì cần chờ thêm thời gian. Ông Phú cũng cho rằng: Mức giá xăng thấp như hiện nay nếu giữ được ổn định từ một quý trở lên mới mong giá cả hàng hóa có sự thay đổi đáng kể. Lúc này rất khó để nói đây là cơ hội cho giá hàng hóa, dịch vụ hạ nhiệt.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giảm giá xăng, dầu là tốt nhưng quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và quản lý chặt hơn về mặt bằng giá tiêu dùng nói chung. Khi giá xăng, dầu lên, giá điện lên các DN mượn cớ đó tăng giá dịch vụ và các mặt hàng tiêu dùng nhưng khi giá xăng, dầu giảm phải tính toán lại để có mức giá tương xứng. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần quan tâm đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ khác để người tiêu dùng được hưởng lợi.
Cũng theo phân tích từ giới chuyên gia, xăng, dầu là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động giá xăng, dầu tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Khi giá xăng hạ nhiệt, ổn định sẽ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Giá xăng, dầu giảm, nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh tế trong nước cũng dễ thở hơn trong đó kinh doanh vận tải, hàng không, hoạt động đánh bắt xa bờ được hưởng lợi nhiều nhất do đây là những lĩnh vực tiêu thụ xăng, dầu nhiều nhất. Hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không; từ 35 - 40% giá thành vận tải đối với các dịch vụ xe container, xe tải nặng và khoảng 25% đối với các loại xe khác. Các ngành nghề khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim… cũng được hưởng lợi khi mà xăng, dầu chiếm tới 20 - 30% chi phí đầu vào.
H.Hương-M.Sang./daidoanket.vn