Hải Dương sàng lọc dự án đầu tư
Hiện tỉnh có hơn 500 dự án FDI đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD
Hải Dương được các doanh nghiệp FDI quan tâm từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước bởi những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, xã hội… Hiện tỉnh có hơn 500 dự án FDI đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD. Nhờ vào dòng vốn FDI mà hơn 200.000 lao động trực tiếp cùng hàng chục vạn lao động gián tiếp có việc làm ổn định. Doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, tạo tiềm lực giúp tỉnh kiến thiết hạ tầng, đầu tư cho các hoạt động xã hội. Sự phát triển của Hải Dương không thể phủ nhận đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Do đó tỉnh luôn coi trọng, tập trung các giải pháp để mời gọi, thu hút đầu tư.
Trong thời gian qua một số dự án FDI đầu tư tại Hải Dương hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Thậm chí có dự án trở thành điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận và tạo tiền lệ xấu ngáng đường những dự án có cùng quốc gia, vùng lãnh thổ, lĩnh vực mong muốn đầu tư vào tỉnh. Điển hình là dự án Việt Hòa - Kenmark (ở TP Hải Dương). Có dự án mới chỉ đang ở bước tìm hiểu đầu tư nhưng người dân lo ngại về vấn đề ô nhiễm nên có ý kiến phản đối dù chưa nắm bắt thông tin cụ thể. Điều này gây khó khăn, tạo ra rào cản lớn trong thu hút đầu tư về sau của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh rất nỗ lực thực hiện các giải pháp để lấy lại lợi thế thu hút đầu tư. Không chỉ đẩy nhanh việc triển khai hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chào đón các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh còn trực tiếp gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp nhằm chủ động cung cấp thông tin hay giải đáp thắc mắc, kiến nghị giúp nhà đầu tư an tâm, tin tưởng. Những hạn chế trong cải thiện chỉ số PCI cũng được tỉnh nghiêm túc “mổ xẻ”, kiểm điểm, giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành và địa phương khắc phục.
Năm 2022 là lần đầu tiên VCCI cùng các đối tác giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Theo đó, tỉnh ưu tiên những dự án đầu tư theo mô hình sản xuất xanh, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường và "nói không" với những dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm), giặt mài; sản xuất da, giầy da và các sản phẩm có liên quan mà trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da, nhuộm; lọc hóa dầu... Điều này cho thấy, Hải Dương rất thiện chí trong thu hút đầu tư nhưng cũng rất khắt khe trong sàng lọc các dự án đầu tư.
Hải Dương đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh. Khi quy hoạch được phê duyệt sẽ là nền tảng để tỉnh có định hướng, hoạch định cụ thể trong thu hút đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án đầu tư chất lượng, hiệu quả chính là cách thiết thực, hữu hiệu nhất nhằm lấy lại niềm tin của người dân, uy tín của doanh nghiệp và vị thế của tỉnh trong thu hút đầu tư.