Giải pháp, khơi thông dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản tại Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo "Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới" diễn ra gần đây, trong những năm qua, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, khi dịch Covid diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã luôn tin tưởng, đồng hành vào sự điều hành của Chính phủ, khuyến khích, tạo điều kiện, tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư vào Việt Nam.
Thực trạng hiện tại nguồn vốn FDI vào bất động sản
Bất động sản vẫn luôn là ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững tại Việt Nam. Thống kê cho thấy bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút FDI, sau công nghiệp chế biến chế tạo. Thu hút FDI cả nước đến nay đạt hơn 440,5 tỷ USD, trong đó đầu tư vào bất động sản đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư. Hiện có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở nước ta, dẫn đầu là Singapore (29%, 19 tỷ đồng), tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. Nếu xét về địa phương, 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản, trong đó TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có quy mô lên đến hàng tỷ USD như dự án: công ty TNHH Hồ Tràm tại Bà Rịa Vũng Tàu; thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội, Công ty TNHH phát triển Nam Hội An tại Quảng Nam,..
Nhìn lại những năm qua, thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng tăng trưởng rất rõ rệt. Từ mức tổng vốn đầu tư đạt 671 triệu USD vào năm 2010, thì đến năm 2018 đã tăng lên gấp gần 10 lần, đạt 6,61 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đăng ký của cả nước. Giai đoạn 2019-2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dòng vốn FDI chảy vào tất cả các ngành đều có xu hướng giảm đi, tổng vốn đăng ký FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng giảm so với những năm trước. Cụ thể, năm 2019, tổng vốn đăng ký FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt 3,88 tỷ USD, giảm 41% so với năm 2018, năm 2021 đạt 2,64 tỷ USD, giảm khoảng 37% so với năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2022, thu hút FDI trong lĩnh vực BĐS hồi phục tăng 26%, đạt 4,5 tỷ USD.
Đánh giá về thuận lợi, khó khăn trong thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản
Về thuận lợi, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư nói chung và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nói riêng như: Chính trị ổn định, an toàn; Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành bất động sản. Tính hấp dẫn trong đầu tư bất động sản tại Việt Nam tốt hơn các nước trong khu vực vì có khả năng sinh lời cao hơn cả thị trường Thái Lan, Hongkong và Singapore…vì giá nhà ở tại Việt Nam đang thấp hơn.
Về khó khăn thách thức, hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời, như quy định về condotel (căn hộ và khách sạn), officetel (văn phòng và khách sạn) đến nay gần như vẫn chưa được giải quyết đáng kể. Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài. Tín dụng bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Xu hướng đầu tư các dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam
Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thị trường bất động sản tại Việt Nam với quy mô dân số lớn vẫn luôn hấp dẫn để họ theo đuổi. Việt Nam vẫn đang có xu hướng đô thị hóa mãnh liệt. Chính phủ quyết tâm xây dựng nền công nghiệp không khói làm ngành mũi nhọn cho phát triển…Số lượng khách hàng tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng, đi kèm với quá trình đô thị hóa nhanh tại các thành phố lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam. Cùng với đó, bất động sản nghỉ dưỡng cũng là phân khúc mà các nhà đầu tư thông minh có thể tìm kiếm cơ hội để gia nhập vào thị trường, đặc biệt là ở Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết…
Ngoài ra, sự xuất hiện của phân khúc bất động sản chăm sóc sức khỏe, loại hình còn rất mới mẻ tại Việt Nam, cũng sẽ là một cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn và khả năng nắm bắt cơ hội. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt tới bất động sản nhà ở và văn phòng. Xu hướng này đến từ nhu cầu của khách hàng ngày một cao trong khi giá thành vẫn hợp lý khi so sánh giá bất động sản ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM với các thị trường lân cận như Singapore, Thượng Hải, Thâm Quyến… hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng của ngành bất động sản trong thời gian sắp tới.
Giải pháp thu hút FDI vào bất động sản tại Việt Nam
Để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào thị trường bất động sản, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel...) phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Cùng với đó, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nên phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng đang quan tâm đến Việt Nam trong bất động sản. Vận dụng các kênh ngoại giao cấp cao hoặc các kênh có tính ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư để tác động, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI vào lĩnh vực bất động sản nhằm lựa chọn các dự án có chất lượng phù hợp, tránh dự án đầu tư ảo, dự án chậm triển khai.