Doanh nghiệp và công nghệ trong thời đại 4.0
Ảnh minh họa
1. Xu hướng kinh tế
Cùng với sự hình thành của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hội nhập kinh tế thế giới, những thành quả nhất định của 40 năm đổi mới đã định vị Việt Nam với vị thế nổi trội. Việt Nam đã có quan hệ kinh tế song phương với trên 230 nước và vùng lãnh thổ, quan hệ đa phương bao gồm 16 FTA với 60 nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức 3 xu hướng kinh tế chính trong bối cảnh mới:
Thứ nhất, xu hướng vừa hợp tác vừa đấu tranh trong nền kinh tế thế giới vẫn không thay đổi. Cụ thể, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh gay gắt, song hai bên vẫn duy trì hợp tác. Đồng thời, đây cũng là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần khéo léo tìm ra lĩnh vực hợp tác phù hợp để không “mắc kẹt” trong thế cạnh tranh của hai nền kinh tế này.
Thứ hai, đó là yếu tố địa chính trị trong kinh tế quốc tế thay đổi, đặc biệt là tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi xuất hiện sáng kiến mới IPEF của Hoa Kỳ (hình 1).
Hình 1: Các nước hiện nay tham gia sáng kiến IPEF
Yếu tố này có tác động mạnh mẽ tới vấn đề vận chuyển hàng hóa và chuyển dịch chuỗi cung ứng. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh Nga và Ukraina làm tăng chi phí nhiên liệu vận tải, gián tiếp thúc đẩy hiện thực hóa dự án khu vực kênh đào Kra tại Thái Lan (hình 2) đem lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và nhất là các tỉnh phía Nam.
Hình 2: Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng khu vực Indo-Pacifi
Thứ ba, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay Công nghiệp 4.0) là quá trình áp dụng tự động hóa liên tục các hoạt động sản xuất và công nghiệp truyền thống, sử dụng công nghệ trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) hiện đại. Giao tiếp giữa máy với máy (M2M) và Internet vạn vật kết nối (IoT) quy mô lớn được tích hợp để tăng cường tự động hóa, cải thiện giao tiếp và tự giám sát, đồng thời sản xuất các máy thông minh có thể phân tích và chẩn đoán các vấn đề mà không cần sự can thiệp của con người. Có thể thấy cuộc cách mạng công nghiệp luôn là sự khởi đầu và nhằm đáp ứng 3 yếu tố nâng cao năng lực của lĩnh vực sản xuất là: tốc độ, quy mô và tối ưu hoá. Cũng có thể thấy sự khác biệt của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là tác động cả 3 lĩnh vực doanh nghiệp: Sản xuất công nghiệp, Thương mại, và Tài chính ngân hàng.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy chúng ta cũng đang đối mặt với khoảng cách lớn về Trí tuệ Nhân tạo: Theo số liệu thống kê, đầu tư vào các công ty giải pháp AI thì Việt Nam cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines đều dưới mức 1 USD. Trong khi đó Singapore với 68 USD đầu tư vào AI trên đầu người. Trung Quốc con số trong năm 2019 là 21 USD và Hoa Kỳ Mỹ đạt 155 USD trên đầu người. Điều đó đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
2. Doanh nghiệp và Công nghệ trong thời đại 4.0
Trong một thế giới vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, điều kiện tiên quyết là phải nâng cao năng lực cốt lõi để sản xuất được hàng hoá và dịch vụ chất lượng tốt (các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế đều đòi hỏi năng lực sản xuất hàng hoá nội địa để hưởng thuế quan ưu đãi thông qua các quy định hàm lượng chế biến và tỷ lệ nguyên liệu xuất xứ của hàng hoá xuất khẩu). Tuy nhiên, sự chuyển đổi địa chính trị khu vực và phát triển của công nghệ số dẫn đến các sáng kiến mới hợp tác và cạnh tranh nhiều hơn ở lĩnh vực hàng rào kỹ thuật phi thuế quan nhất là về chất lượng và tiêu chuẩn sản phầm (cả kỹ thuật và xã hội). Sáng kiến IPEF là một một ví dụ, IPEF được thiết kế như một công cụ để tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và các đối tác ở châu Á. Không giống như CPTPP và RCEP – hai khối thương mại lớn nhất châu Á, Chương trình hợp tác kinh tế mới sẽ không đề cập tới việc giảm thuế. Thay vào đó, Hoa Kỳ tìm kiếm sự hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như từ việc chuyển dịch và phát triển các chuỗi cung ứng tới việc thiết lập các tiêu chuẩn quy tắc cho nền kinh tế kỹ thuật số đảm bảo vận hành hoàn hảo cho chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu nguyên liệu cho tới người tiêu dùng. Hay nói cách khác, IPEF là một cơ chế mới được thiết kế phù hợp nhằm tìm kiếm lợi ích từ quan hệ đối tác thương mại khác nhau một cách bền vững trên cơ sở các tiêu chuẩn và nguyên tắc kỹ thuật của sản phẩm dịch vụ.
Trong quá trình thay đổi đó của thế giới, việc xây dựng các mô hình quản lý mới chuỗi cung ứng và ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng. Hình 3 cho ta thấy mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp truyền thống đơn giản từ hộ nông dân đến các khâu trung gian, đại lý, bán buôn, người bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng.
Hình 3: Mô hình chuỗi cung ứng truyền thống hàng nông sản
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ số, mô hình mới có thể gộp các khâu trung gian, đại lý, bán buôn bằng việc thành lập các trung tâm tiếp thị điều phối mà ở đó có thể ứng dụng công nghệ số trong việc lựa chọn, phân loại theo tiêu chuẩn thị trường, đóng gói và bán buôn… theo đòi hỏi ngày càng khắt khe và phức tạp của thị trường (hình 4).
Hình 4: Mô hình đề xuất chuỗi cung ứng thời đại 4.0
Các công nghệ có thể được áp dụng ở đây có thể là: Cảm biến để tương tác với các hộ nông dân quản lý đất, nước, ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ; IoT, GPS kết nối và xác định vị trí; big data để dự báo khí hậu; robot trong kho vận và các phầm mềm dự báo thị trường cũng như xu hướng nhu cầu người tiêu dùng…Có thể nói các trung tâm điều phối thông minh này sẽ là nơi ứng dụng kỹ thuật số để quản lý chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp cũng như giá trị sản phẩm đảm bảo quy luật cung cầu theo nền kinh tế thị trường trong thời đại 4.0.
3. Một số đề xuất chính sách và chương trình trong xu hướng chuyển đổi số
Theo một nghiên cứu mới của công ty tư vấn Mỹ Kearney và EDBI của Singapore cho biết công nghệ số nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng có thể chuyển nền kinh tế khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam sang một nấc thang cao hơn. Nếu các thành viên ASEAN bắt kịp tốc độ áp dụng AI, họ có thể tăng thêm gần 1 nghìn tỷ USD (riêng Việt Nam trên 100 tỷ) vào tổng sản phẩm quốc nội của khu vực năm 2030.
Để được như vậy, cần phải xây dựng và thực thi 4 chính sách cụ thể:
Thứ nhất, Chính sách dữ liệu chung của quốc gia: Trong kỹ thuật công nghệ, tiêu chuẩn là ưu tiên số 1 do đó cần xây dựng chính sách dữ liệu khu vực chung của Việt Nam phù hợp với xu hướng tiêu chuẩn và quy tắc chuyển đổi số của các nước công nghiệp phát triển.
Thứ hai, Đào tạo kỹ năng kỹ thuật số: Bất kỳ giải pháp công nghệ nào cũng phải tính đến ảnh hưởng tới người lao động và đặt con người lên hàng đầu. Cần xây dựng cam kết chung để đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho lực lượng lao động.
Thứ ba, Ứng dụng trong doanh nghiệp trong các lĩnh vực Sản xuất công nghiệp: Robot, IoT, AI, Big Data, trong Thương mại: E-commerce và trong Tài chính, ngân hàng: Fintech (thanh toán điện tử).
Thứ tư, An ninh mạng: Tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực trong lĩnh vực an ninh mạng.
Sự triển khai hiệu quả các giải pháp trên chắc chắn sự nghiệp phát triển công nghệ số sẽ góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Theo: TS Đoàn Duy Khương