ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng trong năm 2023, cổ đông chất vấn loạt câu hỏi "nóng" về trái phiếu, BĐS, cổ phiếu

08:17 23/04/2023
Cỡ chữ
ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng trong năm 2023, cổ đông chất vấn loạt câu hỏi "nóng" về trái phiếu, BĐS, cổ phiếu
www.tapchiketoankiemtoan.vn

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng

Tại Đại hội, Techcombank trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 22.000 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với thực hiện năm 2022. Dư nợ tín dụng đến cuối năm nay dự kiến đạt 511.297 tỷ đồng; tăng trưởng 15% hoặc cao hơn tuỳ theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp với tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 1,5%; Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5 - 6,5%, với khá nhiều biến động cũng như khó khăn tiềm ẩn do cả yếu tố trong nước và quốc tế. Lĩnh vực bất động sản (BĐS) kém sôi động; giao dịch tiếp tục trầm lắng trong hai tháng đầu năm 2023 dẫn tới rủi ro nợ xấu tiềm ẩn của các chủ đầu tư và các ngành liên quan đến lĩnh vực BĐS. 

Như đã dự đoán, trong 2 tháng đầu năm, thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên ngay cả với sự can thiệp của Chính phủ, lãi suất vẫn còn ở mức cao. Tín dụng và huy động đều tăng trưởng rất thấp trong 2 tháng đầu năm. Chỉ khi lãi suất giảm ở cả hai đầu, nhu cầu tín dụng mới có thể phục hồi tích cực. 

Nhu cầu đối với thị trường trái phiếu tiếp tục ở mức thấp. Nhiều nhà đầu tư do dự không muốn chuyển tài sản từ tiền gửi ngân hàng được hưởng lãi suất cao sang các loại tài sản khác như trái phiếu, chứng chỉ quỹ và cổ phiếu. Với sự can thiệp của Chính phủ, Nghị định 08 cùng tỷ lệ sử dụng còn rất thấp của các sản phẩm tài chính như trái phiếu, vay mua nhà, bảo hiểm và quỹ, trong khi tích lũy tài sản đã tăng mạnh trong dân chúng, các thị trưởng được kỳ vọng sẽ bắt đầu phục hồi tích cực khi lãi suất và môi trường vĩ mô nói chung ổn định hơn. 

Techcombank tin rằng câu chuyện tăng trưởng với các xu hướng và triển vọng vĩ mô trung và dài hạn vẫn được duy trì. Các xu hướng như gia tăng đô thị hóa và gia đình hạt nhân, cùng tỷ lệ sở hữu nhà ở thấp v.v... là cơ sở cho tiềm năng của thị trường bất động sản. Ngoài ra, các xu hướng như gia tăng gia sản, sự xuất hiện ngày càng nhiều của tầng lớp trung lưu, chuyển đổi số trong ngành tài chính sẽ tăng tốc mạnh mẽ. Dựa theo những xu hướng này, chiến lược của Ngân hàng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm thứ ba của hành trình chuyển đổi 5 năm nhằm đạt được các mục tiêu trung - dài hạn đã đề ra. 

Về mặt kinh doanh, Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng tập khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phạm vi khẩu vị rủi ro tín dụng của Ngân hàng…Để tiếp cận và phục vụ khách hàng Techcombank sẽ tiếp tục tiếp cận theo từng phân khúc và tiểu phân phúc khách hàng cá nhân & doanh nghiệp, qua đó hiểu hơn và xây dựng định vị giá trị cụ thể hơn nữa, gắn kết và sâu sắc hóa quan hệ với khách hàng…

screen-shot-2023-04-22-at-09.40.23.png

Trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ

Với lợi nhuận sau thuế năm 2022 gần 17.907 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa sử dụng của Techcombank tính đến ngày 1/1/2023 đạt hơn 58.000 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Techcombank cho biết việc trích quỹ này là nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.

Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối là gần 23.539 tỷ đồng. Ngân hàng đề xuất duy trì số tiền này dưới dạng lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. 

Bên cạnh các nội dung quan trọng trên, ban lãnh đạo Techcombank cũng xin ý kiến cổ đông về một số tờ trình khác như báo cáo Báo cáo của Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát và kế hoạch góp thêm gần 1.000 tỷ vào TCBS. 

CEO Techcombank nói về KQKD năm 2022 và kế hoạch 2023

Ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, nền kinh tế toàn cầu đã có những tác động tiêu cực đáng kể trong năm 2022, do xung đột giữa Nga – Ukraina đã gây ra một số hỗn loạn trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, lạm phát gia tăng khiến NHTW các nước tiến hành các biện pháp để kiểm soát như tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. Khi lãi suất tăng lên, một số khủng hoảng đã xảy ra tại các ngân hàng trên thế giới, như khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, Credit Suisse...

Tại Việt Nam, thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu biến động ở nửa sau năm 2022 gây ra một số quan ngại của nhà đầu tư. Ngoài ra, sự cố ở ngân hàng SCB cũng gây ra khó khăn về thanh khoản, mặc dù sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp để kiểm soát, giúp thanh khoản thị trường cải thiện.

Techcombank là một ngân hàng có hoạt động mạnh ở mảng trái phiếu doanh nghiệp do đó không tránh khỏi những tác động của thị trường khi trái phiếu sụt giảm.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng bị ảnh hưởng. Techcombank là ngân hàng có thị phần đối với phân khúc khách hàng giàu có cao hơn các ngân hàng nội địa. Do đó, khi thị trường BĐS, trái phiếu biến động, khách hàng giàu có – vốn có nhiều kênh đầu tư, đã chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn vì họ có cảm giác an toàn hơn. Ngoài ra, giữa năm ngoái khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, khách hàng cũng tìm cách tiếp cận nguồn vốn khác, khiến cho CASA không còn dồi dào như trước. Dù vậy, tiền vẫn ở trong Techcombank, chỉ là dịch chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang có kỳ hạn. Huy động vốn của Techcombank tăng 12,8% trong năm 2022.

screen-shot-2023-04-22-at-10.11.49.png

"Chúng tôi dự đoán GDP năm nay sẽ đạt 6-7%, mặc dù nền kinh tế còn nhiều thách thức. Với Techcombank, chiến lược kinh doanh của chúng tôi vẫn không thay đổi. Chúng tôi tin rằng, người dân sẽ di chuyên về thành phố nhiều hơn, đô thị hoá sẽ khiến nhu cầu nhà ở nhiều hơn. Do đó, Techcombank vẫn sẽ tiếp tục hướng đến đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, trong đó có nhu cầu nhà ở. Nhiều người dân Việt Nam muốn sở hữu một bất động sản, xem ngôi nhà là tài sản lớn nhất của họ.

Tôi cũng cho rằng thị trường trái phiếu còn tiềm năng phát triển. Bởi một quốc gia không chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng, để đáp ứng nhu cầu về vốn thì không đủ, mà cần các kênh khác.

Mỗi năm Techcombank tăng trưởng khoảng 1 triệu khách hàng, chúng tôi sẽ cố gắng để tăng trưởng cao hơn trong những năm tới.
Năm 2023, ngân hàng sẽ tiếp tục đa dạng nguồn thu từ phí, như phí Banca, thẻ tín dụng, thanh toán,…

Về tín dụng, chúng tôi tiếp tục dịch chuyển sang Retail và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Nửa sau năm nay, tôi kỳ vọng nhu cầu tín dụng của SME sẽ tăng trưởng trở lại. Chúng tôi đã có các kịch bản của mình, và kỳ vọng tín dụng có thể đạt 510 nghìn tỷ đồng trong năm nay. Tổng huy động phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Khó khăn quý 1 đã qua đi, ở nửa sau năm nay, chúng tôi sẽ có những đà tăng trưởng tốt hơn. Lợi nhuận mà Techcombank đặt ra năm nay là khá thận trọng, 22.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, 3 năm qua, chúng tôi đều đưa ra mục tiêu lợi nhuận thận trọng, nhưng kết quả đều cao hơn đáng kể so với kế hoạch ban đầu.

Tôi cũng kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn từ nửa cuối năm, từ đó Techcombank cũng có điều kiện cải thiện các chỉ số tốt hơn" - ông nói trước đại hội đồng cổ đông.

screen-shot-2023-04-22-at-10.40.58.png

HỎI ĐÁP CỔ ĐÔNG

Cổ đông hỏi: Về tờ trình tăng đầu tư cho TCBS, tôi đề nghị xem xét kỹ vấn đề này. Thị trường trái phiếu vẫn phải thận trọng, nên để vốn ở lại Techcombank cho vay hơn là rót cho TCBS.

Ông Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank
 : Chúng ta hiểu rằng, công ty chứng khoán 2022-2023 có những biến động. Nhưng tôi tin rằng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi lại. TCBS là đơn vị dẫn đầu về tư vấn trái phiếu cũng tư như vấn phát hành, nên việc tập trung thế mạnh là điều phù hợp.

Cổ đông hỏi: TPDN, BĐS gặp khó khăn, Techcombank có nên điều chỉnh kinh doanh ở phân khúc này?

Ông Hồ Hùng Anh: 
Mô hình chúng ta theo đuổi là tăng về CASA, là lợi nhuận cao, rủi ro thấp. Còn về BĐS, chúng ta tập trung vào những khách hàng tốt, khách hàng chúng ta hiểu rõ nhất. Kể cả giai đoạn khó khăn, chúng ta vẫn quản trị được rủi ro, lợi nhuận ổn định.

Chúng ta không đi dàn trải, nhưng không có nghĩa là không đa dạng mà Techcombank cũng đang đẩy mạnh các phân khúc khác. Tuy nhiên, phân khúc SME, tiêu dùng phát triển trên nền tảng chúng ta đạt được nền tảng tốt số hoá. Những năm qua, Techcombank đang đầu tư rất nhiều cho công nghệ, do đó thời gian tới sẽ có điều kiện để đẩy mạnh.

Về BĐS, đúng là Techcombank có lượng cho vay cao. Nhưng như tôi chia sẻ, phần nhiều nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà. Còn dự án thì TCB chọn được những khách hàng tốt, pháp lý đầy đủ, vẫn tiếp tục triển khai kể cả trong giai đoạn khó khăn. Techcombank đang kiểm soát rất tốt chất lượng nợ cũng như tỷ lệ nợ xấu.

Trong giai đoạn khó khăn thì nhiều lĩnh vực cũng khó khăn chứ không riêng BĐS, ngay cả ô tô, tiêu dùng, sắt thép đều khó khăn.

Về trái phiếu, Techcombank luôn quản lý như một khoản vay, từ góc độ sức khoẻ khách hàng, khả năng trả nợ của KH, tài sản đảm bảo. TCB chiếm tỷ trọng tư vấn phát hành trái phiếu rất lớn. Nhưng chưa trái phiếu nào mà TCBS tư vấn bị quá hạn mà không thanh toán.
Năm 2022, giảm rất nhiều nhưng đó là vấn đề thời gian. Với những , thị trường trái phiếu sẽ quay trở lại. Do đó, lợi thế của TCB với các sản phẩm đầu tư sẽ được chứng minh trong giai đoan khó khăn. Và khi TT hồi phục thì sẽ tăng trưởng trở lại.

Năm rồi là năm khó khăn ở 2 lĩnh vực mà TCB gần như mạnh nhất thị trường. Nhưng kể cả giai đoạn khó khăn, TCB vẫn quản trị tốt.

screen-shot-2023-04-22-at-10.24.34.png
Ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank / www.tapchiketoankiemtoan.vn

Cổ đông hỏi: Bao giờ ngân hàng sẽ chia cổ tức. Năm nay nột số ngân hàng đã chia cổ tức tiền mặt, còn Techcombank vẫn chưa có kế hoạch? Giá cổ phiếu TCB đã giảm một nửa, giá này đã hấp dẫn chưa và vì sao ngân hàng chưa có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ. Ngân hàng không có động thái trả cổ tức hay hỗ trợ giá cổ phiếu là rất bất lợi với cổ đông nhỏ lẻ?

Ông Hồ Hùng Anh
: Cổ tức có 2 phần, là chia cổ tức tiền mặt, và bằng cổ phiếu. Năm 2017, Techcombank đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tới 200%. Tôi cho rằng chỉ nên thực hiện khi có những đòi hỏi về góc độ cải thiện các chỉ số. Năm nay chúng ta cũng đã bổ sung hơn 32 nghìn tỷ vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, khi cần thiết sẽ điều chỉnh tăng vốn.

Về cổ tức tiền mặt, còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. Quan trọng là làm sao đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông, đảm bảo cho NH hoạt động hiệu quả.
Giá cổ phiếu hiện tại, chúng tôi cũng quan tâm, nhưng tôi quan tâm hơn tới giá trị tổ chức. Tôi luôn tin rằng giá trị tương lai của Techcombank sẽ gấp 5, gấp 10 lần hiện tại. Nếu đầu tư dài hạn, không có gì phải suy nghĩ. Nếu đầu tư ngắn hạn, đó không phải là sở trường của tôi.

Đối với việc mua cổ phiếu quỹ, HĐQT đã có ý định, nhưng vừa qua khi làm việc với Bộ Tài chính, NHNN thì hiện nay chưa có quy định hướng dẫn, mà đang hoàn thiện. Nên chúng ta đợi thông tin hướng dẫn chính thức, sẽ xem xét tiếp.

Biểu quyết thông qua các tờ trình và kết thúc đại hội

Đại hội cổ đông của Techcombank đã thông qua tất cả các tờ trình với tỷ lệ đồng thuận cao trên 99%.

screen-shot-2023-04-22-at-12.06.44.png

www.tapchiketoankiemtoan.vn

Nguồn: ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng trong năm 2023, cổ đông chất vấn loạt câu hỏi "nóng" về trái phiếu, BĐS, cổ phiếu

www.tapchiketoankiemtoan.vn

TBT
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo