Chuyển đổi số và giải pháp ứng dụng vào hoạt động kiểm toán nhà nước
Sáng 27/6, Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Chuyển đổi số quốc gia và các giải pháp ứng dụng vào hoạt động của KTNN” đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia trong Ngành để hoàn thiện Đề tài.
Đề tài do Cử nhân Nguyễn Thị Thái Hà và ThS. Trần Phương Huyền - KTNN chuyên ngành II - đồng chủ nhiệm.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia đến từ một số đơn vị trực thuộc KTNN.
Theo Ban Đề tài, chuyển đổi số là quá trình khách quan, dù muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn đang diễn ra. Về lâu dài, mọi tổ chức, cá nhân sẽ phải chuyển đổi số, không ai có thể đứng ngoài cuộc.
Chính phủ cũng đã khởi động quá trình chuyển đổi số quốc gia để hướng đến nền quản trị thông minh, nền kinh tế số, xã hội số. Điều này có tác động trực tiếp đến các ngành, lĩnh vực và địa phương, trong đó có KTNN.
Vì vậy, KTNN cần tận dụng những cơ hội mà quá trình chuyển đổi số mang lại, cũng như tìm cách thích ứng với mọi thay đổi trong quá trình chuyển đổi số đang tác động tới các hoạt động chuyên môn.
Thực tế, hoạt động điều hành của KTNN trên môi trường số đã được triển khai nhưng sự tương tác của các cấp lãnh đạo, quản lý với các đơn vị tổ chức thực hiện, bộ phận, cá nhân còn hạn chế, chưa phù hợp với xu thế chuyển đổi số.
Các đơn vị nghiệp vụ của KTNN còn gặp khó khăn trong việc đưa ra các yêu cầu để bộ phận thiết kế được phần mềm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ đặc thù.
Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan KTNN khi thực hiện nghiệp vụ kiểm toán còn thiếu kỹ năng số để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong mọi hoạt động chuyên môn.
Hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu đã được xây dựng phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động chuyên môn nhưng một số ứng dụng còn đơn lẻ, độc lập với nhau và thiếu kết nối thông suốt với các hệ thống công nghệ thông tin của Bộ, ngành, địa phương.
Thực tế này đòi hỏi KTNN phải triển khai các giải pháp như: Xây dựng hệ thống lưu trữ, quản trị và khai thác dữ liệu lớn trên nền tảng công nghệ hiện đại để kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan.
Các đơn vị, bộ phận thuộc KTNN cần đặt ra các bài toán theo yêu cầu nhiệm vụ, chức năng trên môi trường số đối với bộ phận viết phần mềm.
Khi đã có giải pháp công nghệ, có hệ thống dữ liệu, lãnh đạo, công chức, kiểm toán viên phải biết khai thác, sử dụng thường xuyên các ứng dụng công nghệ trong quá trình làm việc, tránh lặp lại những thói quen mang tính thủ công, truyền thống…
Để thực hiện được các giải pháp nói trên, cần hoàn thiện các chính sách, quy định về chuyển đổi số và hướng dẫn thực hiện; chuẩn hóa, cải tiến quy trình công việc của KTNN; đảm bảo hạ tầng công nghệ, an ninh hệ thống; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực…
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài và thống nhất quan điểm: Chuyển đổi số là mức cao hơn của việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Các đại biểu đề nghị Ban Đề tài bổ sung thông tin của các Bộ, ngành về việc chuyển đổi số để so sánh với mức độ chuyển đổi số của KTNN.
Đồng thời, nêu rõ hơn kết quả ứng dụng công nghệ thông tin của KTNN; những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số của KTNN; làm rõ việc chuyển đổi số sẽ tác động như thế nào đến công tác quản lý, điều hành của KTNN, từ đó kiến nghị giải pháp cụ thể.
Đặc biệt, nhiều nhà khoa học đề nghị Ban đề tài nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ chế phân quyền truy cập của các đơn vị trực thuộc KTNN để khai thác tối đa dữ liệu số của KTNN phục vụ các hoạt động nghiệp vụ như: công tác lập kế hoạch kiểm toán, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán… và kết nối thông suốt với hệ thống công nghệ thông tin của Bộ, ngành, địa phương.
Cử nhân Nguyễn Thị Thái Hà thay mặt Nhóm tác giả tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học để bổ sung, chỉnh sửa Đề tài trước khi đưa ra Hội đồng nghiệm thu./.
Nguồn: Chuyển đổi số và giải pháp ứng dụng vào hoạt động kiểm toán nhà nước
https://tapchiketoankiemtoan.vn/