Cà Mau gặp khó trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 05 tháng đầu năm 2023 của tỉnh ước đạt 440 triệu USD, giảm 29,39% so với cùng kỳ.
Năm 2023, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 640.000 tấn, tăng 2,9% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 405.000 tấn, tăng 4,9%/năm (sản lượng tôm 233.000 tấn, tăng 6,7% so với năm 2022). Kết quả qua 05 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 266.400 tấn, đạt 41,64% so với kế hoạch, tăng 4,10% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 168.500 tấn, đạt 41,60% so với kế hoạch, tăng 5,84% so với cùng kỳ (sản lượng tôm 99.200 tấn, đạt 42,58% kế hoạch, tăng 5,76% cùng kỳ). Tổng diện tích nuôi tôm đến thời điểm hiện nay hơn 278.480 ha. Được biết, hoạt động thu mua tôm nguyên liệu diễn ra bình thường từ đầu năm, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các thương lái lựa chọn mua tôm khá khắc khe, các yêu cầu về kích cỡ tôm, màu sắc tôm, tôm không nhiễm kháng sinh,... luôn được đưa ra và làm điều kiện để điều chỉnh giá giảm so với giá thỏa thuận ban đầu. Mặc dù chưa ghi nhận thương lái ngưng thu mua tôm nhưng trên một số địa bàn người dân muốn bán tôm thì phải đăng ký với thương lái trước 01 hoặc 02 ngày, để thương lái đăng ký lượng với công ty chế biến và được đồng ý thì mới thu mua.
Theo kết quả rà soát, cập nhật giá tôm ngày 21/5/2023 đang biến động theo chiều hướng giảm. So với cùng kỳ năm 2022, giá tôm giảm sâu nhất là loại tôm sú 40 con/kg (giảm 45.000 đồng), tôm sú loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng; tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg giảm 32.000 đồng, tương tự giảm từ 15.000 đồng – 31.000 đồng/kg đối với các zise từ 100 – 25 con/kg.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Châu Công Bằng, cho biết: “Trong những tháng đầu năm 2023 giá tôm ở mức cao, đỉnh điểm vào tháng 3, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 104.000 đồng/kg, tương tự các size tôm từ 70 – 20 con/kg đều ở mức cao, người nuôi có lợi nhuận rất lớn ở thời điểm này. Tuy nhiên, giá tôm bắt đầu giảm trong tháng 4 và kéo dài đến thời điểm hiện tại. Ngày 21/5/2023, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg ở mức 80.000 đồng/kg, loại 20 con/kg ở mức 198.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg đạt mức 120.000 đồng/kg, loại 20 con/kg đạt 230.000 đồng/kg. Dự báo trong tuần tới giá tôm tiếp tục giảm, nguyên nhân chính là các nhà máy chế biến xuất khẩu không xuất được hàng, hàng tồn kho nhiều. Theo thống kê giá tôm qua nhiều năm cho thấy, giá tôm giảm sâu nhất trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 7, sau đó tăng dần trở lại cho đến cuối năm”.
Giá tôm nguyên liệu liên tục giảm gây ra nhiều khó khăn cho bà con nuôi tôm.
Thực tế cho thấy, việc tôm được thu mua với giá thấp hiện nay đã gây ra không ít khó khăn cho người sản xuất. Giám đốc Hợp tác xã Nuôi thủy sản năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước) Huỳnh Xuân Diện, cho biết: “Tình hình tôm hiện được bán với giá rất thấp so với trước đây và khi hỏi các đầu mối thu mua thì họ cho biết do các nhà máy chế biến xuất khẩu còn lượng hàng tồn kho nhiều, chưa xuất hết hàng. Bên cạnh đó, việc thu mua tôm của thương lái luôn kèm theo những quy định khắc khe như kích cỡ, màu sắc tôm,… Qua đó, giảm giá so với thỏa thuận khiến người sản xuất tôm như chúng tôi dễ thua lỗ. Trước tình hình giá tôm nguyên liệu giảm đã gây ảnh hưởng không ít đến tâm lý và thu nhập của người nuôi tôm và nhất là đối với những người nuôi tôm công nghệ cao như chúng tôi. Tôi mong rằng, ngành chức năng sẽ có giải pháp để hỗ trợ, giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn, sớm ổn định sản xuất”.
Trong 05 tháng đầu năm 2023, sản lượng chế biến tôm của tỉnh đạt hơn 87.000 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng hàng trữ tại kho tính từ đầu tháng 5 đến nay khoảng 24.540 tấn, trong đó có khoảng 20.640 tấn tôm. Kim ngạch xuất khẩu giảm 29,39%; giá xuất khẩu tôm sú giảm 5,18% và giá xuất khẩu tôm thẻ giảm 12,54% so với cùng kỳ.
Ông Phan Văn Tâm, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: “Trước tình hình khó khăn như hiện nay, lãnh đạo của công ty vẫn chỉ đạo thu mua tôm và chúng tôi sẽ không từ chối nguồn tôm của bà con. Hiện tại, mỗi ngày lượng tôm chúng tôi thu mua đạt từ 100 – 150 tấn và có thời điểm đạt gần 200 tấn. Để đảm bảo tình hình sản xuất trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng cần định hướng bà con nuôi tôm sú, bởi tôm thẻ hiện đã nuôi quá nhiều, tôm sú có khả năng cạnh tranh cao”.
Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cam kết thu mua nguồn tôm nguyên liệu và đồng hành cùng của bà con ổn định sản xuất tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh.
Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm, vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức họp đánh giá nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tôm nguyên liệu thu mua với giá thấp, xuất khẩu gặp khó và triển khai giải pháp tháo gỡ. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu được nhận định do hiện đang vào mùa vụ nuôi tôm chính không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác như Ecuador, Ấn Độ,... nên sản lượng tôm cung cho thị trường là rất lớn, đồng thời chi phí sản xuất thấp, nên giá bán ra của tôm nuôi ở các quốc gia thấp nhiều so với tôm nuôi tại Việt Nam (thấp hơn từ 15-20%); tác động của dịch Covid-19, các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đang lạm phát ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Ngoài ra, các công ty chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung chịu ảnh hưởng và tác động rất lớn của thị trường thế giới, nhất là việc thu mua nguyên liệu đầu vào, nên để cạnh tranh, ký kết hợp đồng xuất khẩu tôm vào các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc,… các đơn vị chế biến xuất khẩu phải giảm giá thu mua nguyên liệu có được hợp đồng xuất khẩu,…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử: “Đến thời điểm này, chúng ta cần khẳng định với người dân Cà Mau không có chuyện doanh nghiệp và đại lý không thu mua tôm mà chỉ có mua khó và mua giá thấp. Qua đó, để bà con yên tâm, không hoang mang và tiếp tục duy trì sản xuất. Trước tình hình hiện nay, chúng ta cần có dự báo tâm thế chuẩn bị cho tình huống khó khăn để chủ động triển khai giải pháp phù hợp. Đối với sản xuất nguyên liệu, Sở Công Thương cùng với các doanh nghiệp cần tham gia các cuộc họp giao ban hàng tháng giữa các cơ quan Bộ Công Thương để nhanh chóng cập nhật thông tin, nhu cầu và các quy định của thị trường để phục vụ cho việc tham mưu chỉ đạo; tăng cường cập nhật thông tin tình hình sản xuất ở cơ sở, doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những khuyến cáo cần thiết đến các bên có liên quan để chủ động thích ứng trong sản xuất; tăng cường kiểm tra chất lượng, giá cả đầu vào,…nhằm chỉ đạo hỗ trợ sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các đơn vị liên quan tìm kiếm giải pháp liên kết tháo gỡ khó khăn. Còn đối với lĩnh vực chế biến, xuất khẩu tôm, các doanh nghiệp cần ý thức trong việc thu mua nguyên liệu, không được để đại lý thu mua chèn ép người dân. Sở Công Thương tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp có đơn đặt hàng, mở rộng thị trường. Ngân Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại trong tỉnh cần thực hiện tốt các chính sách hiện hành, hỗ trợ cho người sản xuất và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Các địa phương cần chủ động triển khai giải pháp phù hợp, đảm bảo ổn định sản xuất cho người dân”.
Hồng Nhung/camau.gov.vn
Nguồn: Cà Mau gặp khó trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm