Áp lực nghề kế toán : Cân bằng độ chính xác và ổn định trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực

15:22 18/11/2024
Cỡ chữ
(Kế toán & Kiểm toán) - Với ngày càng nhiều sai sót tài chính xuất phát từ các đội ngũ kế toán làm việc quá sức, doanh nghiệp đang phải chịu áp lực từ tình trạng thiếu hụt nhân tài kéo dài. Theo báo cáo, 83% các nhà lãnh đạo cấp cao cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự kế toán đủ trình độ, dẫn đến sai sót, trì hoãn và gia tăng rủi ro vận hành. Megan Weis, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dịch vụ FAO tại Personiv, đã đưa ra các giải pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp duy trì độ chính xác tài chính bất chấp thách thức này.

Trước đây, kế toán thường làm việc phía sau hậu trường để đảm bảo tính chính xác tài chính và sự ổn định của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, tình trạng thiếu hụt nhân tài trong ngành kế toán đang gia tăng, dẫn đến đội ngũ bị quá tải hoặc chưa đủ năng lực, gây ra sai sót trong báo cáo tài chính và tổn thất tiền lương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ doanh nghiệp.

Thiếu hụt nhân tài ngày càng trầm trọng

Tình trạng thiếu hụt nhân lực kế toán không phải là vấn đề mới, nhưng trong năm qua, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Có tới 83% lãnh đạo cấp cao xác nhận tình trạng này, và 10% cho rằng nó đang xấu đi. Đồng thời, 67% các giám đốc tài chính (CFO) dự kiến cần tuyển dụng thêm nhân viên kế toán trong năm tới, trong khi nguồn nhân lực đủ trình độ lại ngày càng khan hiếm.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán đang giảm mạnh. Theo Hiệp hội Kế toán viên Công chứng Quốc tế, số sinh viên tốt nghiệp cử nhân kế toán giảm 7,8% vào năm 2022, còn thạc sĩ giảm 6,4%. Sự phức tạp ngày càng tăng trong các quy định và yêu cầu báo cáo tài chính cũng tạo thêm áp lực, làm giảm hiệu suất đội ngũ và gia tăng căng thẳng, dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao hơn, khiến khoảng cách nhân tài ngày càng lớn.

burnoutjpg95

Hệ lụy từ sai sót tài chính

Thiếu hụt nhân sự kế toán dẫn đến nhiều hậu quả tài chính nghiêm trọng, như sai sót trong báo cáo, tổn thất tiền lương và uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Sai sót này có thể gây ra kiện tụng, làm tổn hại danh tiếng và làm mất niềm tin vào sự ổn định tài chính của doanh nghiệp.

Thời gian tuyển dụng kéo dài từ 2-3 tháng với các vị trí khó tìm kiếm nhân sự. Trong khi đó, nhân viên hiện tại phải gánh thêm khối lượng công việc lớn, làm tăng căng thẳng và khả năng sai sót. Việc không cân bằng được công việc và cuộc sống khiến nhân viên dễ rời bỏ công ty, làm giảm hiệu quả hoạt động của các phòng tài chính và tạo ra một vòng luẩn quẩn của sai sót và quá tải.

Khôi phục nền tảng tài chính

Để giảm thiểu tác động tiêu cực, các doanh nghiệp cần hành động ngay bằng cách chiến lược hóa các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ thuê ngoài và công nghệ như một giải pháp. Khoảng 90% CFO đã chuyển giao một số chức năng kế toán cho các đơn vị thuê ngoài, tận dụng nhân sự chuyên môn để duy trì năng suất và tập trung vào các mục tiêu chiến lược.

Bên cạnh đó, các công ty cũng đang thận trọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tự động hóa để xử lý các nhiệm vụ thường xuyên, giảm tải cho nhân viên và tăng hiệu quả tổng thể. Kết hợp giữa chuyên môn nhân lực và công nghệ là giải pháp tối ưu, giúp các tổ chức ổn định và đáp ứng nhu cầu kế toán.

Hướng tới giải pháp bền vững

Tình trạng thiếu hụt nhân tài trong ngành kế toán không chỉ ảnh hưởng đến các phòng tài chính mà còn đe dọa toàn bộ doanh nghiệp. Để vượt qua khủng hoảng, các công ty cần áp dụng cách tiếp cận đa chiều, với kế hoạch chủ động và chiến lược rõ ràng nhằm đảm bảo độ chính xác và ổn định tài chính.

 

Huyền My
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo