Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực

19:54 08/06/2024
Cỡ chữ
(Kế toán & Kiểm toán) - Tại Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo trước Quốc hội về văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh. Theo đó, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%).

Nhiều nông sản thế mạnh của Việt Nam hưởng mức cam kết tốt hơn

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ rõ những điểm nổi bật trong cam kết của Vương quốc Anh trong văn kiện gia nhập CPTPP mang lại lợi ích cho Việt Nam. 
Kể từ khi được khởi động đàm phán vào tháng 6/2021, trải qua nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, cấp Trưởng đoàn đàm phán, cấp kỹ thuật và 5 phiên đàm phán trực tiếp, các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã kết thúc đàm phán vào tháng 3/2023.

anh18
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ những điểm nổi bật trong cam kết của Vương quốc Anh trong văn kiện gia nhập CPTPP

Việt Nam đã đạt được mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của Hiệp định và cao hơn cho Việt Nam trong một số nội dung quan trọng đối với nước ta so với cam kết cho các nước thành viên khác, cũng như cao hơn cam kết trong FTA song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Cụ thể,Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%). Về cơ bản, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong UKVFTA.

Ví dụ mặt hàng gạo - một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong khuôn khổ CPTPP, Vương quốc Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Vương quốc Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác.

Ngoài ra, một mặt hàng xuất khẩu khác là thế mạnh của Việt Nam là cá ngừ cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế, mức cải thiện lớn so với hạn ngạch thuế quan chỉ ở mức trên 1.500 tấn/năm trong Hiệp định FTA song phương trước đây.

Hàng Việt Nam sẽ được áp thuế chống bán phá giá hợp lý hơn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một điểm đáng chú ý nữa là cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, điều đó rất thuận lợi cho nước ta trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.

Ngày 16/5/2024 vừa qua, Vương quốc Anh đã gửi văn kiện phê chuẩn Nghị định thư gia nhập, chính thức hoàn tất các thủ tục phê chuẩn việc gia nhập CPTPP.

Như vậy, theo quy định của Hiệp định, chỉ cần thêm 2 thành viên CPTPP nữa hoàn tất thủ tục phê chuẩn là Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 16/10/2024. Các nước CPTPP còn lại cũng đang nỗ lực để có thể hoàn tất việc phê chuẩn trước thời điểm 16/10/2024 nói trên.

Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPPTP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV sẽ đưa chúng ta nằm trong nhóm các nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư.

Việc phê chuẩn và thực thi các cam kết trong Nghị định thư gia nhập CPPTP của Vương quốc Anh sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Vương quốc Anh. Đặc biệt là các doanh nghiệp có thể tận dụng đầu vào từ các nước CPTPP khác, cũng như các ưu đãi mới từ cam kết gia nhập của Vương quốc Anh, trong đó có việc nước này cam kết sẽ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường khi thực thi Hiệp định, đồng thời thúc đẩy quan hệ đa phương của ta, đặc biệt trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới đang và sẽ diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đàm phán gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh là đàm phán một chiều, trong đó Vương quốc Anh phải đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới và chấp nhận toàn bộ các cam kết hiện có trong Hiệp định.

Đối với các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam, các cam kết trong Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh chỉ bao gồm các cam kết về mở cửa thị trường mà các nước dành cho Vương quốc Anh trong các lĩnh vực gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, dịch vụ tài chính, mua sắm của Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước.

Các cam kết này không yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi, ban hành mới các văn bản luật hiện hành do Quốc hội ban hành, mà chỉ dự kiến phải sửa đổi, ban hành một số văn bản hướng dẫn thực thi ở cấp nghị định và thông tư.

 

Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo