36 cơ quan Trung ương sẽ chuyển trụ sở về khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì

05:49 25/07/2023
Cỡ chữ

Ngày 20/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 423/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Theo đó, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể. Đồ án quy hoạch gồm 02 bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Phối cảnh hệ thống trụ sở các cơ quan ở khu vực Tây Hồ Tây
Phối cảnh hệ thống trụ sở các cơ quan ở khu vực Tây Hồ Tây

Đồ án quy hoạch chỉ rõ, khu Tây Hồ Tây khoảng 35ha, gồm 20,7ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14,3ha tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm.

Tại đây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc bằng phương tiện giao thông cơ giới.

Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12 - 25 tầng, các khối công trình công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6 - 24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20m.

Hiện nay 11 bộ, cơ quan dự kiến xây dựng trên khu Tây Hồ Tây gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Giai đoạn từ năm 2023 - 2025, khu vực Tây Hồ Tây chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1, bao gồm việc thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1.

Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Trong đó sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2.

Giai đoạn từ năm 2031 - 2035, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các Bộ, ngành còn lại và các công trình công cộng (giai đoạn 2).

Phối cảnh hệ thống trụ sở các cơ quan ở khu vực Mễ Trì
Phối cảnh hệ thống trụ sở các cơ quan ở khu vực Mễ Trì

Tại khu Mễ Trì, quy mô quy hoạch chi tiết khoảng 55ha, trong đó khoảng 43,6ha thuộc phường Mễ Trì và khoảng 11,4ha thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Không gian tổng thể của quy hoạch là các cụm công trình kiến trúc có chiều cao công trình trụ sở Bộ, ngành tương đối thống nhất. Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17 - 25 tầng, công trình công cộng cao 3 - 5 tầng, giáp với tuyến đường đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên.

Hiện khu Mễ Trì đã có trụ sở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định vị trí đất. Phần lớn diện tích đất còn lại dự trữ cho nhu cầu phát triển dài hạn, bao gồm cả cơ quan có thể thành lập trong tương lai.

Giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng.

Từ năm 2026 - 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Giai đoạn năm 2030 về sau, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.

Theo Bộ Xây dựng, dự kiến số người làm việc của các cơ quan khoảng 18.700, trong đó khu Tây Hồ Tây khoảng 14.500 (gồm 1.000 người làm việc tại cơ quan dự trữ), khu Mễ Trì khoảng 4.200 người.

Hai khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì đều cơ bản là đất nông nghiệp, không có công trình kiến trúc xây dựng kiên cố. Khu Tây Hồ Tây có nhiều thuận lợi hơn khi nằm trong lõi khu vực đã được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh.

Sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan phải di dời trụ sở lập phương án tổng thể sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà, đất. Nguồn thu được từ việc xử lý nhà, đất tại vị trí cũ sẽ được ưu tiên bố trí thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cân đối, bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện chuẩn bị đầu tư.

Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương đề xuất Chính phủ phương án, nguồn vốn đầu tư hạ tầng cây xanh, cảnh quan, công trình công cộng trong khu vực đã được quy hoạch.

Nguồn: 36 cơ quan Trung ương sẽ chuyển trụ sở về khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì

https://tapchiketoankiemtoan.vn/

Tuấn Anh
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo