Thị trường chứng khoán mở cửa tuần mới trong trạng thái giằng co khi VN-Index loay hoay quanh vùng đỉnh cũ 1.320 điểm rồi lùi về 1.296 điểm do áp lực chốt lời gia tăng. Dù VIC bứt phá lên giá trần, giúp thu hẹp đà giảm, lực bán cuối phiên vẫn khiến chỉ số chìm trong sắc đỏ. Thanh khoản duy trì cao cho thấy dòng tiền chưa rút lui, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng khi thị trường bước vào vùng giá nhạy cảm.
Sau hai tuần liên tiếp tăng điểm và tiệm cận vùng kháng cự quan trọng tương đương đỉnh tháng 3/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu chững lại. Bước vào phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh rõ rệt, mở cửa trong sắc đỏ, sau đó phục hồi nhẹ và có thời điểm vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán tăng mạnh trở lại vào cuối phiên khi lực cung giá cao từ các phiên trước đồng loạt quay trở lại thị trường.
Chốt phiên, VN-Index giảm 5,10 điểm, tương đương 0,39%, lùi về mức 1.296,29 điểm, một lần nữa đánh mất ngưỡng 1.300 điểm – vốn được xem là kháng cự tâm lý quan trọng. Trong khi đó, chỉ số VN30 – đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn – cũng giảm 4,69 điểm (-0,34%), dừng tại 1.379,75 điểm, thấp hơn ngưỡng kháng cự 1.400 điểm đã thiết lập hồi tháng 3/2025.
Sự suy yếu của thị trường trong phiên hôm nay thể hiện rõ qua độ rộng sàn HOSE khi số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo. Có tới 216 mã giảm, chủ yếu đến từ các nhóm ngành trụ cột như chứng khoán, ngân hàng, nông nghiệp, thủy sản và công nghệ - viễn thông. Trong khi đó, chỉ có 110 mã tăng giá, chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng, dược phẩm và bất động sản. Ngoài ra, 42 mã giữ giá tham chiếu, cho thấy sự phân hóa khá rõ nét giữa các nhóm ngành trong bối cảnh tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn.
Thanh khoản thị trường tiếp tục suy giảm với khối lượng giao dịch toàn sàn HOSE giảm 2,4% so với phiên trước đó. Điều này cho thấy lực cầu giá lên trong ngắn hạn đang suy yếu, trong khi áp lực cung vẫn duy trì ở mức cao. Một yếu tố không mấy tích cực khác là khối ngoại đã quay lại bán ròng mạnh với giá trị lên tới 496,6 tỷ đồng trong phiên hôm nay, đánh dấu sự đảo chiều đáng chú ý sau chuỗi phiên mua ròng tích cực trong tuần trước.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2506 cũng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực khi giảm 4,10 điểm (-0,30%), đóng cửa tại 1.380,10 điểm, chênh lệch dương nhẹ +0,35 điểm so với chỉ số cơ sở VN30. Các hợp đồng kỳ hạn xa hơn như VN30F2509 và VN30F2512 ghi nhận mức chênh lệch dao động trong khoảng từ -0,55 điểm đến +0,95 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn phân hóa về triển vọng ngắn hạn của thị trường.
Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch trên thị trường phái sinh không có nhiều biến động so với phiên liền trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. Đáng chú ý, khối lượng mở (OI) của hợp đồng VN30F2506 đã tăng mạnh lên 46.554 hợp đồng, so với 35.279 hợp đồng trong phiên gần nhất. Diễn biến này cho thấy giới đầu tư đang có xu hướng gia tăng vị thế nắm giữ, đồng thời phản ánh kỳ vọng về khả năng chỉ số sẽ dao động trong vùng 1.340 – 1.400 điểm trong ngắn hạn.
Tổng thể, sau giai đoạn phục hồi, thị trường đang đối mặt với áp lực điều chỉnh trở lại. Những biến động về thanh khoản, lực bán từ khối ngoại và sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành là các tín hiệu cần lưu ý cho nhà đầu tư trong thời gian tới. Ngưỡng 1.300 điểm của VN-Index và 1.400 điểm của VN30 tiếp tục đóng vai trò là rào cản quan trọng cần được chinh phục để duy trì xu hướng tích cực.
Nhận định của các công ty chứng khoán:
Chứng khoán BIDV
Lực cản trong gap giảm tiếp tục khiến VN-Index mất hơn 5 điểm trong ngày hôm nay và đóng cửa tại mốc 1,296.29 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 12/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành Công nghệ thông tin giảm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại, ngành Bất động sản dẫn đầu đà tăng, được dẫn dắt bởi cổ phiếu VHM. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng nhẹ trên sàn HNX.
Trong những phiên giao dịch tới, thị trường sẽ tiếp tục tìm điểm cân bằng trong vùng 1,270 – 1,315.
Chứng khoán TVSI
VN-Index tiếp tục chịu áp lực giảm điều chỉnh từ phiên trước, đóng cửa ở mức giá thấp. Áp lực giảm duy trì từ đầu phiên và giảm nhẹ vào cuối phiên sáng khi lực cầu tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, áp lực bán ở vùng giá cao vào cuối phiên đã khiến chỉ số quay trở lại mức giá thấp trong ngày.
Vnindex đóng cửa giảm nhẹ với thanh khoản duy trì ở mức trung bình 20 phiên, cho thấy áp lực chốt lời tại vùng giá cao vẫn còn. Nhìn chung, chỉ số gặp khó khăn quanh ngưỡng kháng cự ngắn hạn ở mức 1315 – 1320 điểm và cần thêm thời gian tích lũy trước khi có thể vượt qua. Chỉ số vẫn duy trì cao hơn vùng tích lũy giá năm 2024, do đó kỳ vọng tăng trưởng trung hạn vẫn được duy trì và hy vọng chỉ số sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới. Trong các phiên giao dịch tiếp theo, kỳ vọng chỉ số sẽ phục hồi và tăng điểm trở lại vào cuối ngày.
Xu hướng ngắn hạn hiện tại của Vnindex vẫn đang trong đà tăng điểm. Chỉ số đang tiếp tục điều chỉnh khi gặp ngưỡng kháng cự ngắn hạn quanh mức 1315 – 1320 điểm. Nhận định dòng cổ phiếu nổi bật: Nhóm ngành Bất động sản tăng giá mạnh trong phiên giao dịch hôm nay và là nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường. Nhóm ngành Dược phẩm – Y tế tăng giá nhẹ với đà tăng tập trung vào một số mã nổi bật.
Chứng khoán SSI
Lực bán trên diện rộng khiến thị trường không giữ được sắc xanh và giảm phiên thứ hai liên tiếp. VNIndex đóng cửa giảm 5,1 điểm (-0,39%) xuống mức 1.296,29 điểm và tạm thời đánh mất mốc 1.300. Độ rộng trên HOSE nghiêng về chiều giảm với 216 mã giảm và 110 mã tăng.
Áp lực chốt lời ngắn hạn chiếm ưu thế và tạo lực cản nhất định lên nỗ lực hồi phục của VN-Index. Tuy nhiên, đà điều chỉnh vẫn được kiểm soát nhờ cầu giá thấp duy trì ổn định. Thanh khoản khớp lệnh giữ quanh mức bình quân 20 phiên, phản ánh trạng thái lưỡng lự của dòng tiền quanh khu vực đỉnh cũ. VN-Index nhìn chung vẫn trong pha điều tiết ngắn hạn, với vùng 1.280 tiếp tục được kỳ vọng là vùng cân bằng của chỉ số.
© tapchiketoankiemtoan.vn