Tiêu chí xác định giao dịch phải công chứng: Đề xuất mới từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14:44 01/11/2024
Cỡ chữ
(Kế toán & Kiểm toán) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ không quy định danh mục cụ thể các giao dịch phải công chứng, thay vào đó là tiêu chí xác định giao dịch quan trọng nhằm duy trì tính ổn định của luật pháp. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cũng quy định về mô hình của văn phòng công chứng tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
cong-chung-hop-dong-mua-ban-nha-dat

Tiêu chí xác định giao dịch bắt buộc công chứng

Chiều ngày 25/10 tại Kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất thay vì liệt kê danh mục các giao dịch phải công chứng, Luật sẽ quy định tiêu chí xác định các giao dịch này nhằm đảm bảo tính ổn định và linh hoạt. Các giao dịch phải công chứng sẽ là các giao dịch quan trọng, yêu cầu mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định bắt buộc.

Việc không quy định danh mục cụ thể trong Luật Công chứng sẽ giúp tránh trùng lặp với các luật chuyên ngành như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, và Luật Kinh doanh bất động sản.

Trong quá trình thảo luận, có hai quan điểm được đưa ra. Quan điểm thứ nhất cho rằng Luật Công chứng không nên quy định cụ thể danh mục giao dịch bắt buộc công chứng để tránh trùng lặp với các luật chuyên ngành và đảm bảo linh hoạt cho việc điều chỉnh khi cần thiết. Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng nên quy định cụ thể danh mục giao dịch để đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong áp dụng pháp luật.

Trước các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất kết hợp ưu điểm của cả hai hướng tiếp cận. Bổ sung quy định về tiêu chí xác định giao dịch phải công chứng" “Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng.”. Đồng thời, giao Chính phủ rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, bảo đảm phù hợp với tiêu chí quy định tại Luật Công chứng, điều chỉnh danh mục này khi cần thiết. Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm cập nhật và công bố danh mục các giao dịch phải công chứng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để đảm bảo tính công khai và minh bạch.

Mô hình tổ chức văn phòng công chứng

Về mô hình tổ chức văn phòng công chứng, phần lớn các ý kiến ủng hộ mô hình công ty hợp danh như Luật Công chứng hiện hành quy định. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu công chứng ở các khu vực khó khăn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung mô hình doanh nghiệp tư nhân cho văn phòng công chứng tại các khu vực có mật độ dân số thấp và khó khăn về cơ sở hạ tầng. Với mô hình này, công chứng viên tại các địa bàn đặc biệt có thể dễ dàng mở văn phòng công chứng với yêu cầu tối thiểu chỉ một công chứng viên.

Tuy nhiên, mô hình doanh nghiệp tư nhân cũng gặp hạn chế khi công chứng viên duy nhất không thể tiếp tục hành nghề, dẫn đến việc văn phòng công chứng có thể phải đóng cửa, gây gián đoạn cung cấp dịch vụ. Một phương án khác được thảo luận là duy trì mô hình công ty hợp danh với yêu cầu tối thiểu hai công chứng viên, đảm bảo tính liên tục nhưng gặp khó khăn trong việc tìm đủ công chứng viên tại các khu vực kinh tế khó khăn.

Phúc Anh
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo