Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tố tụng
Sáng 15/8, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Hành vi cản trở hoạt động tố tụng có xu hướng gia tăng
Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính). Theo đó, khoản 3 Điều 4 Luật này quy định “Căn cứ quy định của Luật này, UBTVQH quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”.
Như vậy Quốc hội đã giao UBTVQH nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Đồng thời, qua thực tiễn cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng, nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
“Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật. Với những lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết” – ông Nguyễn Trí Tuệ nêu rõ.
Rà soát kỹ lưỡng các hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính và phúc đáp yêu cầu của thực tiễn đang xảy ra ngày càng nhiều các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cần được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Qua nghiên cứu, rà soát, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, dự thảo Pháp lệnh đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và cơ bản thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, các luật, pháp lệnh có liên quan. Đồng thời, các quy định của dự thảo Pháp lệnh đã bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn thi hành, đáp ứng mục đích, yêu cầu của việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH tán thành sự cần thiết ban hành Pháp lệnh để quy định thống nhất về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng…
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình soạn thảo công phu, nghiêm túc, tinh thần vào cuộc từ sớm từ xa và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan chủ trì thẩm tra. Về các nội dung cụ thể, đối với phạm vi của Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ thế nào là hoạt động tố tụng, thế nào là cản trở hoạt động tố tụng, cần cân nhắc kỹ để quy định chặt chẽ.
Với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, luật đã quy định rõ, dự thảo Pháp lệnh cần bám sát theo quy định của luật, nếu đã có quy định ở pháp luật chuyên ngành, đã có Nghị định của Chính phủ thì cần thực hiện theo mức xử phạt hành chính ở pháp luật chuyên ngành, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh này.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ các nội dung về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, các yếu tố cấu thành hành vi này, mức xử phạt đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm, bảo đảm phù hợp với các luật có liên quan, đồng thời tham khảo thêm mức xử phạt trong một số Nghị định của Chính phủ đối với một số ngành có tính chất tương đồng, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tương thích trong hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế.
UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh để trình UBTVQH xem xét, thông qua và ban hành vào ngày 18/8./.