Giá vàng tăng đột biến trong thời gian qua đã giúp SJC ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong 10 năm, song doanh nghiệp này vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các đối thủ.
Giữa cơn sốt giá vàng đang đẩy thị
trường trong nước lên đến những đỉnh cao chưa từng thấy, Công ty Vàng bạc đá
quý Sài Gòn (SJC) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với những con số
tích cực. Tuy nhiên, đằng sau con số lợi nhuận tăng gấp 5 lần, SJC lại đặt ra
một kế hoạch lợi nhuận năm 2025 khá thận trọng.
Sáng 18/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh mạnh giá vàng miếng, niêm yết ở mức 117 triệu đồng/lượng mua vào và 120 triệu đồng/lượng bán ra, tăng lần lượt 1,5 triệu và 2 triệu đồng so với phiên trước. Các thương hiệu vàng khác cũng nhanh chóng điều chỉnh theo đà tăng này, tuy nhiên, thị trường đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Mức chênh lệch giữa giá mua và bán hiện vẫn duy trì quanh ngưỡng 3 triệu đồng mỗi lượng.
Ở phân khúc nhẫn trơn, SJC giữ nguyên mức giá mua bán tại 114 – 117 triệu đồng/lượng. Ngược lại, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh mạnh, đưa giá mua bán nhẫn trơn lên tới 116,5 – 119,5 triệu đồng/lượng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 vừa công bố, SJC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 283 tỷ đồng, con số cao nhất trong vòng một thập kỷ. Mức tăng trưởng này không chỉ vượt xa con số 61 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước mà còn bỏ xa kế hoạch 70 tỷ đồng mà công ty từng trình UBND TP.HCM, cơ quan đại diện phần vốn nhà nước nắm giữ 100% vốn tại doanh nghiệp.
Bức tranh doanh thu cũng cho thấy gam màu sáng, khi SJC đạt 32.193 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với năm 2023. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp của công ty vẫn ở mức khá thấp chỉ khoảng 2%. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi 100 đồng doanh thu, công ty chỉ giữ lại khoảng 2 đồng sau khi trừ giá vốn.
Doanh thu lớn nhưng lợi nhuận khiêm tốn có vẻ như công thức chung tại SJC nhiều năm qua. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2023, SJC ghi nhận doanh thu lên tới hơn 28,4 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 61 tỷ đồng. Giá vốn chiếm gần hết doanh thu, lên tới gần 28,2 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022 SJC ghi nhận doanh thu gần 27.200 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 49,2 tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, SJC lại gây chú ý khi đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ 88,9 tỷ đồng, tương đương khoảng 1/3 kết quả đã đạt được trong năm 2024. Đây là điều khiến nhiều người đặt dấu hỏi, nhất là khi công ty dự kiến doanh thu sẽ tiếp tục tăng lên gần 34.898 tỷ đồng, tức cao hơn khoảng 16% so với năm trước.
SJC cũng đặt mục tiêu năm 2025 gia công hơn 20.000 lượng vàng và tiêu thụ trên 500.000 sản phẩm nữ trang. Công ty cũng dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2025 sẽ giảm xuống còn khoảng 89 tỷ đồng .
Nhưng khi đặt lên bàn cân so sánh với đối thủ lớn nhất trong ngành – Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Trong khi SJC vừa mừng với lợi nhuận vài trăm tỷ đồng, thì PNJ đã ghi nhận hơn 2.100 tỷ đồng lãi ròng trong năm qua.
PNJ cũng đã vượt SJC về thị phần doanh thu, một điều từng được xem là “lãnh địa bất khả xâm phạm” của SJC trong nhiều năm. Năm 2024, doanh thu của PNJ đạt hơn 38.000 tỷ đồng, với hơn 37.800 tỷ đến từ bán hàng thuần.
Đáng chú ý, mục tiêu của SJC đặt được ra trong bối cảnh nội bộ doanh nghiệp có nhiều biến động lớn. Cuối năm 2024, Tổng Giám đốc Lê Thúy Hằng cùng 5 cá nhân khác đã bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại SJC, với cáo buộc liên quan đến tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
© tapchiketoankiemtoan.vn