Ngành dịch vụ Du lịch Kiên Giang phát triển giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045
(TCKT&KT online) - Kiên Giang là một tỉnh ven biển ở phía Tây Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều địa danh du lịch: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải, U Minh Thượng.… Được xác định là thế mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, du lịch Kiên Giang đã có những bước tiến khởi sắc ấn tượng và trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Với lợi thế tiềm năng du lịch phong phú; hạ tầng giao thông được Trung ương và địa phương tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại tạo nên bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhất là lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đưa vào khai thác đã kết nối đưa Kiên Giang gần hơn với thị trường quốc tế và các thành phố lớn của cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ … Qua đó, Kiên Giang ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Kiên Giang “cất cánh”.
Thiên đường du lịch Trải nghiệm U Minh
Trong thời gian qua, ngành du lịch Kiên Giang nhận được sự quan tâm của Trung ương và địa phương trong đẩy mạnh phát triển du lịch. Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định Phú Quốc, Hà Tiên trở thành điểm đến quan trọng của quốc gia. Đặc biệt, chủ trương phát triển du lịch thực sự được chú trọng trong những năm gần đây về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã có những tác động rất lớn đối với ngành du lịch tỉnh Kiên Giang.
Tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh từ đường bộ, đường thủy, đường biển; thực hiện 06 Dự án hạ tầng du lịch và triển khai 02 tiểu dự án thuộc Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS). Hạ tầng hàng không của tỉnh cũng đang phát triển mạnh, phục vụ cho du lịch, tuyến hàng không quốc tế Phú Quốc có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn và hiện đại với công suất phục vụ khoảng 2.65 triệu khách/năm. Sân bay Phú Quốc đang được quy hoạch mở rộng đường bay. Đây là những yếu tố chính kết nối Phú Quốc với tất cả các vùng của Việt Nam và quốc tế, đồng thời giữ vai trò trung gian trong việc kết nối du khách khách đến Rạch Giá hay các khu vực khác của tỉnh Kiên Giang.
- Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được quan tâm đúng mức, hiện toàn tỉnh thu hút 328 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.044 ha và tổng vốn đầu tư là 380.077 tỷ đồng (riêng địa bàn thành phố Phú Quốc có 286 dự án đầu tư du lịch, chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh, với diện tích 9.656 ha và tổng vốn đầu tư là 374.479 tỷ đồng); cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh du lịch được đầu tư tốt, chất lượng được nâng lên, số cơ sở lưu trú trong tỉnh hiện tại có đăng ký là 920 cơ sở với 31.900 phòng. Toàn tỉnh có 83 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép, trong đó có 34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 40 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 9 Chi nhánh, Văn phòng đại diện.
- Cơ sở lưu trú du lịch phát triển nhanh về số lượng, tập trung ở các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh như thành phố Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên, đáp ứng khá tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến nay toàn tỉnh có 884 cơ sở lưu trú, với 31.338 phòng. Ngoài ra, còn nhiều khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao tại Phú Quốc đang trong giai đoạn hoàn thiện sắp đưa vào hoạt động, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu lưu trú cao cấp của khách du lịch, nhất là khách quốc tế.
- Các chỉ tiêu về lượt khách, doanh thu liên tục tăng trưởng. Từ năm 2021 đến tháng 4 năm 2023 Kiên Giang đón 13.802.422 lượt du khách đến tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế đón 491.110 lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 20.869 tỷ đồng.
- Lĩnh vực lữ hành có bước phát triển khá, tổng số đơn vị lữ hành được cấp phép là 67 doanh nghiệp (trong đó có 29 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 32 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 06 chi nhánh, văn phòng đại diện) đáp ứng cơ bản nhu cầu khách du lịch quốc tế đến Kiên Giang và tổ chức đưa khách đi du lịch trong và ngoài nước. Trong những năm qua, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng và thực hiện các tour du lịch kết nối các khu vực du lịch trọng điểm với các tỉnh, thành trong và ngoài nước.
- Công tác quảng bá và xúc tiến du lịch được tăng cường, thường xuyên quan tâm cung cấp thông tin và giới thiệu hình ảnh du lịch của tỉnh đến với du khách thông qua các phương tiện truyền thông và lồng ghép giới thiệu trong các sự kiện quan trọng; xây dựng các phim tư liệu về tiềm năng phát triển du lịch để quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các du khách trong và ngoài nước; phối hợp với các địa phương khu vực ĐBSCL và TP.HCM triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh/thành vùng ĐBSCL; Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 07 tỉnh/thành Cụm phía tây ĐBSCL; tham gia Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh/thành ĐBSCL với thành phố Hà Nội…Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến du lịch với các tỉnh ven biển miền Đông Thái Lan và Tây Nam của Campuchia để kết nối tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam (tuyến du lịch R.10); phối hợp với Tổng cục Du lịch đón các đoàn Famtrip, Presstrip từ thị trường trong và ngoài nước đến tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh về du lịch của tỉnh để thu hút đầu tư và khách du lịch.
Một trong những hoạt động tại Khu vui chơi giải trí VinWonder
- Sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng được đầu tư phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được củng cố và nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách với các sản phẩm du lịch như: Khu vui chơi giải trí Vinpearland; Khu vui chơi giải trí VinWonders; Khu bảo tồn, chăm sóc động vật hoang dã Safari Phú Quốc; Hệ thống cáp treo từ thị trấn An Thới ra xã đảo Hòn Thơm với chiều dài 7.899,9m là hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất thế giới; Casino Phú Quốc, đi bộ dưới biển (sea walking); Bãi biển Tiên Hải (Hà Tiên) được cải tạo từ cát nâu sang cát trắng; Khu Chợ đêm Hà Tiên với quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.....các sản phẩm mới này tạo thêm sức hấp dẫn cho du khách khi đến du lịch tại Kiên Giang. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện phát triển du lịch biển đảo, thu hút khách quốc tế, tỉnh đã công nhận 03 Khu du lịch cấp tỉnh là: Khu du lịch Quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên), Khu du lịch lịch Quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Khu du lịch Lại Sơn (Kiên Hải), từ sau công nhận, đến nay, lượt khách quốc tế đến Kiên Giang, nhất là các nơi này có sự gia tăng đáng kể. Ngoài ra, một số mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại các địa bàn du lịch trọng điểm cũng đã gắn với phục vụ phát triển du lịch, làm gia tăng sản phẩm du lịch của tỉnh.
- Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được kiện toàn, củng cố đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đến nay, lao động du lịch toàn tỉnh có khoảng 15.575 người; lực lượng lao động ngành du lịch tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 26,9% tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành về du lịch đạt khoảng 63,4%; trong số lao động qua đào tạo có 81,9% trình độ trung cấp, sơ cấp nghề và chứng chỉ bồi dưỡng ngắn hạn.
Có thể nói, hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và kích thích thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển; giải quyết việc làm cho gần 16 ngàn lao động góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách; vị trí, vai trò của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng cao và đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục phát huy tiêm năng và lợi thế, đẩy mạnh phát triên du lịch toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng dịch vụ và đảm bảo tính bền vững, hướng đến mục tiêu sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu, định hướng như sau:
Đến năm 2025, Kiên Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có thương hiệu bản sắc riêng, là một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một phần quan trọng không thể tách rời trong nền kinh tế biển; Kiên Giang trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, là cửa ngõ kết nối quan trọng của nền kinh tế du khách, định vị được thương hiệu phát triển bền vững trong khu vực ASEAN. Đến năm 2045, Kiên Giang sẽ trở thành một điểm đến du lịch biển đảo đặc sắc đẳng cấp quốc tế, với mục tiêu mũi nhọn là phát triển bền vững, phát triển dựa vào cộng đồng và phát huy các giá trị lịch sử văn hoá địa phương.