Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang

10:41 07/06/2024
Cỡ chữ
(Kế toán & Kiểm toán) - Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới được cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nỗ lực triển khai sâu rộng, tích cực trong việc tổ chức phong trào thi đua “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào thi đua của các cấp, ngành, qua đó, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng thiết thực trong Nhân dân.
image-8

Trong năm 2023, Chương trình nông thôn mới tiếp tục đạt được nhiều kết quả, hầu hết các mục tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, đứng tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc; trong năm toàn tỉnh đã có thêm 35 xã nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu, vượt 12,9% kế hoạch, có thêm 119 thôn nông thôn kiểu mẫu, vượt 27,9% kế hoạch.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, người dân đã nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Chương trình và vai trò chủ thể của mình, từ đó tự nguyện đóng góp đất đai, tài sản, ngày công để thực hiện các công trình công cộng…

a

Một góc cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng, nâng cấp cơ bản được hoàn thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới; sản xuất nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, phát huy lợi thế của mỗi địa phương; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai tích cực; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập người dân tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu tại các xã đạt chuẩn đều đạt trên 90%, khẳng định nông thôn mới thực chất; văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, tiếp cận pháp luật có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy; an ninh, trật tự, an toàn ở nông thôn được giữ vững, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
 

image-7

Cổng làng thôn Non Dài, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế: Việc huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình; kinh phí đối ứng của Nhân dân chủ yếu vẫn là hiến đất và ngày công lao động. Việc giải ngân, thanh toán quyết toán nguồn vốn ngân sách hỗ trợ còn chậm vì tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị của cơ sở còn hạn chế. Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp trung ương chậm được ban hành, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương. Việc triển khai các chương trình chuyên đề chưa thực sự đi vào nề nếp. Công tác đào tạo nguồn nhân lực của Chương trình chuyển đổi số còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển giao một số công nghệ mới, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn mới.
Một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới:
Một là, tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Tân Yên phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, để sớm hoàn thiện hồ sơ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025.
Hai là, thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông và triển khai phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân. Tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Ba là, rà soát và hoàn thiện quy hoạch nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị; tạo chuyển biến môi trường nông thôn; văn hóa - giáo dục - y tế ngày càng phát triển; nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh trật tự.
Bốn là, phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững theo chiều sâu.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới bảo đảm khách quan, đúng quy định; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong thực hiện Chương trình nông thôn mới, chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng, giải ngân và huy động các nguồn lực.

PV
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo