Luxury Living: Từng có nguy cơ phá sản, vẫn huy động 4.800 tỷ đồng trái phiếu
Theo số liệu mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living vừa công bố phát hành thành công 48.000 trái phiếu mã LLFCB2328001 có mệnh giá 100 triệu đồng trong ngày 13/3/2023. Tổng giá trị phát hành tương ứng 4.800 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này có kỳ hạn 60 tháng, tức đáo hạn vào ngày 13/3/2028, kỳ hạn trả lãi là 3 tháng một lần. Lô trái phiếu này có lãi suất kết hợp giữa mức cố định 9%/năm và thả nổi. Công ty cổ phần chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đóng vai trò tổ chức lưu ký.
Đáng chú ý, chỉ 3 ngày trước lô trái phiếu này, Luxury Living từng thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm (lần đầu) với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Cụ thể, trong ngày 10/3/2023, Luxury Living ký hợp đồng với Techcombank – Khối khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa. Tài sản đảm bảo là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng dự án thành phần được ký kết giữa Luxury Living với Công ty Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Việt An.
Chuyển chủ sở hữu từ Masterise sang ông Phạm Thanh Quyết
Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living thành lập ngày 13/3/2020 với ngành nghề kinh doanh là “Bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất tương tự, đèn và bộ đèn điện, đồ dùng gia đình khác chưa được phân vào đâu trong các cửa hàng chuyên doanh”.
Tên ban đầu của Luxury Living là Công ty TNHH Masterise Living. Ở thời điểm mới thành lập, ông Trần Quốc Hoài là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Tại ngày 31/12/2020, vốn góp của chủ sở hữu chỉ là… 10 triệu đồng.
Tới ngày 31/12/2021, vốn điều lệ công ty vọt lên 910 tỷ đồng. Và từ ngày 25/10/2022, tên công ty đổi thành Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living như hiện tại. Tới 3/11/2022, ông Phạm Thanh Quyết thay thế ông Trần Quốc Hoài để trở thành Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật công ty.
Được biết, Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living có vốn điều lệ 910 tỷ đồng, trụ sở chính tại Tòa nhà Masterise An Phú, Tp. Thủ Đức (Tp.HCM). Giấy phép đăng ký kinh doanh thể hiện ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Thanh Quyết.
Tới ngày 27/1/2023, chủ sở hữu Luxury Living được hé lộ. Chủ cũ của Luxury Living là Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise, chủ mới là ông Phạm Thanh Quyết. Như vậy, ông Phạm Thanh Quyết “toàn quyền” tại Luxury Living khi vừa nắm giữ chức vụ cao, vừa là chủ sở hữu công ty.
Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Quyết có mối liên hệ chặt chẽ với thương hiệu Masterise. Ngoài Luxury Living, ông Quyết còn là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Môi giới Master Agents, Công ty TNHNN Dịch vụ và Quản lý bất động sản Master Services, Công ty TNHH Quản lý bất động sản Masterise Property,…
1 năm tuổi đã có nguy cơ phá sản
Luxury Living thành lập trong tháng 3/2020. Trong năm đầu hoạt động, Luxury Living có vị thế công ty siêu nhỏ khi vốn chỉ… 10 triệu đồng, doanh thu 0 đồng và thua lỗ gần 6 triệu đồng. Kết quả là tại ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn… 4 triệu đồng.
Sang năm 2021, vốn công ty tăng mạnh lên 910 tỷ đồng nhưng Luxury Living vẫn duy trì doanh thu 0 đồng và thua lỗ khiêm tốn chỉ hơn 3 triệu đồng. Thế nhưng, trên Bảng cân đối kế toán, Tổng tài sản Luxury Living tăng sốc, và tài sản được tài trợ chủ yếu bởi nợ.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, Tổng tài sản của Luxury Living lên tới 5.655 tỷ đồng, cao gấp… 1,4 triệu lần so với cuối năm 2020. Trong đó, Nợ phải trả lên tới 4.745 tỷ đồng, cao gấp 5,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 83,9% tổng nguồn vốn.
Cần phải nhấn mạnh, trong tổng nợ, nợ ngắn hạn là con số khổng lồ, đạt 1.185 tỷ đồng. Thế nhưng, tài sản ngắn hạn của Luxury Living chỉ là 21,2 tỷ đồng. Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn) tại ngày 31/12/2021 của Luxury Living chỉ là 0,02. Theo lý thuyết, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 “Thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn.
Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”. Có thể thấy, ít nhất tại thời điểm cuối năm 2021, hệ số này đã rất gần về 0, gây áp lực lên khả năng chi trả của Luxury Living.