Làm sao để nhà đầu tư "xuống tiền"?

05:39 24/07/2023
Cỡ chữ

Theo số liệu được đưa ra trong một hội thảo gần đây về PPP, từ khi Luật PPP có hiệu lực, chỉ có 10 dự án mới được phê duyệt và 14 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, các ngân hàng chủ yếu giải ngân và thu nợ đối với các dự án PPP đã cam kết cấp tín dụng và rất ít phát sinh các dự án mới.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này; một mặt, việc thu hút đầu tư tư nhân chắc chắn khó khăn hơn rất nhiều khi đại dịch Covid-19 qua đi. Kinh tế khó khăn sẽ làm cho nhà đầu tư tư nhân cẩn trọng hơn khi ra quyết định. Riêng trong lĩnh vực điện, theo xu thế toàn cầu hiện nay, hầu hết tổ chức tài chính quốc tế đã không tiếp tục tài trợ vốn cho các dự án nhiệt điện than. Vì vậy, các nhà đầu tư rất khó thu xếp vốn cho dự án.

Mặt khác, 8 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ - đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Trong phương án mới nhất, Chính phủ đề xuất chi hơn 10.300 tỷ đồng để mua lại toàn bộ 5 dự án rồi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn mua một phần của 3 dự án còn lại. Tuy nhiên, phương án này còn đợi các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thời gian càng kéo dài, gánh nặng thua lỗ của các nhà đầu tư những dự án này càng lớn và niềm tin của các nhà đầu tư khác càng bị bào mòn.

Nhìn vào số phận 8 dự án bất cập này, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng “lắc đầu” khi được hỏi tương lai có rót vốn vào các dự án PPP nữa hay không… bởi vì rủi ro của dự án không được Nhà nước chia sẻ kịp thời. PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa của trường Đại học Fullbright cho rằng, vốn mồi của Nhà nước trong dự án PPP không phải là vấn đề lớn. Điều quan trọng là Nhà nước phải hiểu các rủi ro của một dự án PPP và sẵn sàng chia sẻ rủi ro đó với nhà đầu tư. Đáng tiếc, có 12 tình huống có thể phát sinh rủi ro khi nhà đầu tư tham gia dự án PPP nhưng 10 tình huống chưa có phương án xử lý hoặc cách giải quyết chưa triệt để.

Chẳng hạn, Luật PPP quy định cơ chế chia sẻ doanh thu với doanh nghiệp PPP. Theo đó, nếu doanh thu trên 125% so với dự tính, doanh nghiệp phải chia sẻ với Nhà nước; ngược lại doanh thu giảm xuống dưới 75%, Nhà nước sẽ thanh toán phần chênh lệch để bảo đảm doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, Luật PPP quy định sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách để xử lý cơ chế chia sẻ doanh thu giảm là chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với mục đích sử dụng nguồn ngân sách dự phòng… Quan điểm của Bộ Tài chính như vậy thì làm cách nào nhà đầu tư “lấy” được khoản tiền Nhà nước chia sẻ rủi ro? Đó là chưa kể, để được bù đắp doanh thu, nhà đầu tư phải đáp ứng một số điều kiện vô cùng khó và không dễ chứng minh. Ví dụ, phải chứng minh quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu, hay đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu trong khi Kiểm toán Nhà nước làm việc có kế hoạch và chỉ kiểm toán bất thường khi có vấn đề.

Nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nên không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội. Vì thế, việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, khu vực tư nhân không chỉ có tiền, mà với đặc tính năng động của mình chắc chắn có khả năng thích ứng nhanh hơn với mức chi phí tiết kiệm hơn khu vực công. Do đó, làm thế nào để thu hút được các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư tổ chức (các công ty bảo hiểm, các quỹ lương hưu và các quỹ đầu tư tài sản…) "xuống tiền", tham gia các dự án PPP vẫn là câu hỏi quan trọng đặt ra lúc này.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/lam-sao-de-nha-dau-tu-xuong-tien-i337488/

https://tapchiketoankiemtoan.vn/

Tuấn Anh
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

zyro-image
partner-01
partner-06
logo-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam
logo-bo-tai-chinh

Thông báo