Du lịch sức khoẻ: Cuộc đua mới trên thị trường nghỉ dưỡng

19:09 19/01/2023
Cỡ chữ

4736_image001

Cơn sốt “Du lịch wellness”

Du lịch kết hợp với trải nghiệm chăm sóc sức khỏe và cân bằng cảm xúc trong tâm hồn đang là chủ đề được truyền thông ca ngợi và các blogger hưởng ứng. Các quốc gia đi đầu về mô hình này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm onsen tạo nên thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của xứ sở Phù Tang, tắm đá muối tại Hàn Quốc, các tour du lịch kết hợp thiền định và Yoga tại Ấn Độ…

Tại diễn đàn Giám đốc điều hành khách sạn Việt Nam diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định: Du lịch wellness hiện đang là xu hướng, nhưng trong tương lai không xa thì đây là nhu cầu của du khách chứ không còn là xu hướng.

Báo cáo của Global Wellnes Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu) cho thấy, sự phổ biến của du lịch chăm sóc sức khỏe đã tăng lên với tốc độ nhanh chóng. Từ một thị trường khoảng 563 tỷ USD vào năm 2015 đến 639 tỷ USD trong năm 2017. Mức tăng khoảng 6,5% hàng năm trong khi ngành Du lịch nói chung tăng khoảng 3% mỗi năm.

Du lịch chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ thậm chí nhanh hơn, khoảng 7,5% mỗi năm, để phát triển thành một ngành có trị giá 919 tỷ USD vào năm 2022.

Ông Andrew Gibson – đồng sáng lập Wellness Tourism Association chia sẻ: Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ, du lịch wellness không còn là một xu hướng đầu tư ngắn hạn mà đã trở thành định hướng tư duy phát triển dài hạn trong kinh doanh dịch vụ khách sạn.

Đây là một hướng đi thông minh và không quá khó khăn để đầu tư xây dựng môi trường kinh doanh theo xu hướng này, khi các khu nghỉ dưỡng, hay khách sạn biết tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và ưu tiên các yếu tố về sức khỏe sẽ tạo được sức hấp dẫn đối với những du khách muốn tránh xa những áp lực trong đời sống để tận hưởng cảm giác bình yên.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch trên toàn cầu có xu hướng ngày càng ưa chuộng các loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp…

UNWTO nhận định, đến năm 2030, khách đi du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách; tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.

Cơ hội mới cho Việt Nam

Nếu năm 2013, du lịch wellness có mặt ở 63 quốc gia thì 5 năm sau, con số này là hơn 100 quốc gia. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ xu hướng mới này.

Cảnh quan thiên nhiên vượt trội, hệ thống khách sạn và resort cao cấp nở rộ ở các điểm đến nổi tiếng là cơ hội để Việt Nam khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Đơn cử như Phú Quốc, nhiều chuyên gia nhận định, sức hấp dẫn về du lịch cũng như đầu tư bất động sản đến từ đường bờ biển dài 150km, thiên nhiên phong phú, thời tiết thuận lợi cho hoạt động du lịch quanh năm.

Bên cạnh các đường bay nội địa, hiện nay, tại cảng hàng không Phú Quốc, nhiều hãng hàng không đã khai thác các đường bay quốc tế đến: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan, Malaysia và một số chuyến bay không thường xuyên đến từ Thụy Điển, Italy…

Sở hữu đầy đủ lợi thế của du lịch cao cấp, tờ CNN từng đưa Phú Quốc vào danh sách những điểm đến tuyệt vời nhất châu Á, còn tờ Telegraph (Anh) cũng sản xuất hẳn một chuyên đề về những việc nên làm khi đến Phú Quốc.

Tại Phú Quốc, một dự án với quy mô tầm vóc sắp ra mắt đón xu hướng này. Theo tiết lộ của nhà phát triển, dự án có diện tích trên 200ha, ôm trọn 1,5km bờ biển Phú Quốc và là một thiên đường nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp với du lịch, chăm sóc sức khoẻ quy mô lớn nhất lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

4737_image003

Lượng khách quốc tế tới Việt Nam liên tục gia tăng cho thấy tiềm năng của thị trường này. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tháng 11, du lịch Việt Nam đã đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11,8% so với tháng trước và tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số khách quốc tế đến nước ta trong 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người.

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam cũng quan tâm nhiều tới sức khoẻ. Theo báo cáo của Nielsen Vietnam, sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam (44%, tương đương mức 3 tháng đầu năm), vượt qua sự ổn định của công việc (42%, giảm 4%).

Bà Louise Hawley – Giám đốc điều hành Nielsen Vietnam nhận định: Người tiêu dùng Việt đang quan tâm đến sức khỏe hơn bao giờ hết. Ô nhiễm không khí và môi trường là những chủ đề nóng hổi đang ngày càng trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi người.

“Với thực trạng môi trường đáng báo động hiện nay cùng với nhận thức tăng cao của người tiêu dùng, sức khỏe dự kiến sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam”, bà Louise Hawley cho hay.

Để phát triển thị trường du lịch sức khoẻ, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần tập trung vào phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quy hoạch bài bản, hoàn thiện chính sách phát triển sản phẩm du lịch mà cả du khách trong nước và quốc tế đang hướng đến.

Ninh Nhi

Sudo Ecommerce
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

partner-02
partner-01
partner-06
partner-04
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484

Thông báo