Đánh giá tác động của vốn trí tuệ đến hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam

08:43 20/01/2023
Cỡ chữ

Từ khóa: IC, VAIC, hiệu quả tài chính, GMM, lý thuyết dựa trên nguồn lực.

Abstract

Resource-based theory have supported the importance of intangible resources, or intellectual capital of a company. Intangible resources gradually replace the role of tangible resources which are increasingly limited and easily replaced in the knowledge economy. If organizations take advantage of intellectual capital management and practices, they are expected to bring economic benefits to the company. Therefore, this study is the original Value Add Intellectual Cofficient (VAIC) of Pulic (2000) as well as the adjusted VAIC model to examine the impact of intellectual capital on financial performance of companies listed on the Vietnamese stock market from 2015 to 2019. Intellectual capital is evaluated according to the overall quantity as well as each component in the intellectual capital structure, includes  human capital, structural capital, and relational capital. The financial performance includes ROA, ROE and market to book value ratio. We pay special attention to dealing with the endogeneity problem through the systematic GMM estimation of Blundell and Bond (1998). All results support the hypothesis about the positive impact of intellectual capital as well as its components on firm performance. However, the level of impact can be different in each IC component depending on the level of knowledge, showing that IC identification and management is also one of the focuses in the goal of adding value to the organization.

Keywords: intellectual capital, VAIC, financial performance, GMM, resource-based theory.

1. Đặt vấn đề

Khi chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, nhận thức đúng vai trò của hoạt động phát triển nguồn tài nguyên tri thức sẽ giúp công ty hiểu cách các nhân viên, các bên liên quan và các quy trình hoạt động đóng góp vào việc tạo ra giá trị. Do đó, nghiên cứu về mối quan hệ của thực hành IC với hiệu quả tài chính của công ty đã và đang được tiến hành, trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, tính đến nay, có khiêm tốn số lượng các đề tài nghiên cứu về chủ đề IC. Điều đó thúc đẩy chúng tôi thực hiện nghiên cứu này, kết quả nghiên cứu sẽ là động lực cho sự điều chỉnh nhận thức về quản trị IC trong công ty. Trong nghiên cứu này, sau khi thực hiện đo lường hiệu quả IC bằng hệ số VAIC ban đầu của (Pulic, 2000), chúng tôi tiếp tục kiểm chứng bằng mô hình VAIC điều chỉnh để vượt qua những chỉ trích từ mô hình VAIC nguyên bản, cũng như cố gắng khai thác tất cả các khía cạnh khác nhau của IC. Bên cạnh đó, các nghiên cứu quốc tế công nhận rằng không phải tất cả các công ty với ngành nghề khác nhau đều nhận được giá trị như nhau từ việc đầu tư IC, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển hoặc mới nổi, mà có sự phân cấp giữa các công ty sử dụng tri thức cao và các công ty tri thức thấp. Do đó, chúng tôi cũng sẽ phân loại cấp độ tri thức của các DN trong nghiên cứu này. Điểm mới tiếp theo đó là, công cụ GMM được dùng làm công cụ phân tích để khắc phục hiện tượng nội sinh trong mô hình nghiên cứu.

2. Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu

2.1. Các khái niệm nghiên cứu

IC (Intellectual Capital – IC): IC là kết quả của hiệu ứng mạng lưới sử dụng nhiều nguồn lực trí tuệ xuất phát từ con người (năng lực, kiến thức nhân viên), các thế mạnh bên trong (chẳng hạn như cơ cấu tổ chức và quy trình hoạt động, tên thương hiệu, bản quyền, quyền thương mại, văn hóa, chiến lược, sở hữu trí tuệ) và bên ngoài (vốn quan hệ) mà DN đã tích lũy được, giúp tạo ra giá trị hoặc lợi thế cạnh tranh, nhằm đạt được mục tiêu của mình.

Vốn nhân lực: liên quan đến yếu tố con người bao gồm kiến thức, năng lực, kỹ năng và thái độ của nhân viên góp phần thu hút khách hàng và tăng năng suất và lợi nhuận của công ty, sau đó có thể chuyển thành giá trị thị trường (Chen, 2004). Năm 1996, OECD công nhận rằng vốn con người được coi là động lực cốt lõi của sự giàu có, thịnh vượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, theo quan điểm kinh tế vĩ mô (Martín và cộng sự, 2011).

Vốn cấu trúc: bao gồm cơ sở dữ liệu, kế hoạch, chiến lược, quy trình kinh doanh, hệ thống kiểm soát, hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng, cơ cấu tổ chức và văn hóa DN (Youndt & Snell, 2004; Zhang, 2021; Kamukama và công sự, 2011), để hỗ trợ nhân viên đạt được mục tiêu kinh doanh (Rahimi và cộng sự, 2017) và giúp đảm bảo hiệu quả kinh doanh và năng suất của nhân viên (Bontis và cộng sự, 2007; Bollen và cộng sự, 2005).

Vốn quan hệ: liên quan đến việc quản lý và điều tiết các mối quan hệ bên ngoài của công ty, bao gồm việc quản lý các mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh, đối tác, cổ đông, khách hàng, chính phủ, các kênh phân phối và nhà cung cấp, các bên liên quan (Sveiby, 1997; Bontis, 2001; Tsui và cộng sự, 2014; Sharabati và cộng sự; 2010; Hormiga và cộng sự, 2011).

2.2. Tổng quan nghiên cứu

Các nỗ lực nghiên cứu không ngừng điều tra về tính chất và cường độ của IC, đối với thành quả hoạt động công ty, ở nhiều quốc gia vùng lãnh thổ khác nhau. Các nghiên cứu có thể dành trọng tâm theo từng ngành nghề lĩnh vực kinh doanh khác nhau từ ngân hàng, dược phẩm, công nghiệp sản xuất, công nghệ thông tin hoặc bao hàm toàn bộ các DN trong thị trường. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các ấn phẩm nghiên cứu về IC tại châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, thể hiện nhận thức mới về tầm quan trọng của nghiên cứu IC đối với nền kinh tế mới nổi, với các nước đang phát triển. (Nimtrakoon, 2015) sử dụng dữ liệu của 213 công ty công nghệ niêm yết trên năm Sàn Giao dịch Chứng khoán ASEAN, sử dụng mô hình VAIC (Pulic, 2000) để so sánh mức độ IC giữa các nước ASEAN và kiểm tra mối quan hệ giữa IC, giá trị thị trường và hiệu quả tài chính các công ty. (Soetanto & Liem, 2019) dùng phương pháp phân tích dữ liệu bảng động để phân tích IC, tại 127 công ty, từ 12 ngành công nghiệp ở Indonesia, trong năm 2010 đến 2017, đồng thời so sánh các ngành công nghiệp tri thức cấp cao và cấp thấp về IC (Bảng 1).

CHung-1-1-1536x1114

Đa số các nghiên cứu ủng hộ quan điểm rằng, sử dụng hiệu quả IC giúp công ty tăng cường hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những kết quả chưa đồng nhất cần được chứng minh thêm bằng các nghiên cứu tiếp theo tại nhiều bối cảnh khác nhau, để tiếp tục đóng góp vào nhận thức chung về IC.

Ở Việt Nam, nghiên cứu IC khá khiêm tốn, trong khi thực tiễn các công ty Việt Nam đang phát triển các khía cạnh khác nhau của IC. (Hoang Thanh Nhon và cộng sự, 2018) khám phá tác động của IC, vốn con người, vốn tổ chức và xã hội cũng như vai trò trung gian của vốn con người và xã hội đối với thành quả tài chính, cho thấy mối quan hệ tích cực đáng kể. (Trịnh Hiệp Thiện, 2019) bằng phương pháp PLS-SEM kết luận, IC có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính đo bằng số vòng quay tài sản, ROE, Tobin q. Thêm vào đó, mối quan hệ này càng được tăng cường hơn nữa khi có sự tham gia của biến trung gian kế toán quản trị chiến lược. (Tu & Dat, 2020) thực nghiệm tác động của IC, đối với lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro của ngân hàng ở Việt Nam, từ năm 2007 đến năm 2019, bằng cách sử dụng GMM cũng cho kết quả tương tự. Hoang và cộng sự qua cuộc điều tra DN của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trên 13.900 mẫu DN Việt Nam, trong giai đoạn 2012 – 2016, cũng xác nhận IC có tương quan thuận với hiệu quả hoạt động của DN. Trong đó vốn con người, vốn vật chất và vốn tài chính chỉ tương quan thuận trong ngắn hạn, trong khi vốn cấu trúc thể hiện trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Tóm lại, có thể nói IC vẫn là một chủ đề mới ở Việt Nam. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này, góp phần bổ sung vào các tài liệu công bố về nghiên cứu đánh giá tác động của IC với hiệu quả hoạt động của các DN, tại Việt Nam.

2.3. Lý thuyết nền

Lý thuyết dựa trên nguồn lực được coi là lý thuyết tiên phong, tập trung vào tầm quan trọng của tài sản vô hình đối với DN (Barney, 1991). Một nguồn lực chỉ được xem là lợi thế cạnh tranh, khi có bốn thuộc tính: có giá trị, hiếm, khó bắt chước và không thể thay thế được (Barney, 1991). Vì vậy, các tác giả cho rằng chính tài sản vô hình hoặc IC mới đóng góp nhiều hơn vào lợi thế cạnh tranh bền vững cho các DN, trong thời đại kinh tế tri thức. Do đó, chúng tôi cũng sử dụng lý thuyết này để giải thích mối quan hệ giữa IC và hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty Việt Nam.

2.4. Phát triển giả thuyết

Tuy rằng, tầm quan trọng của IC đã được ủng hộ bởi các lý thuyết nền nhưng nghững nghiên cứu thực nghiệm vẫn cho các kết quả không nhất quán. Phần nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa hiệu quả sử dụng Ic và hiệu quả hoạt động của công ty (Chu và cộng sự, 2011; Clarke và cộng sự, 2011; Vishnu và Gupta, 2014; Sardo và Serrasqueiro, 2017; Dženopoljac và cộng sự, 2016). Điều này phù hợp với lý thuyết dựa trên nguồn lực đã đề cập, rằng IC là động lực giá trị của tất cả các công ty (Stewart, 1997) hoặc IC là nguồn lực chiến lược cốt lõi, được một công ty sử dụng để đạt được lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị mà công ty có thể sử dụng, để nâng cao hiệu quả (Clarke và cộng sự, 2011) với bất kể quy mô công ty và vị trí địa lý (Nadeem và cộng sự, 2017). Tuy nhiên, vẫn có những nghiên cứu mang lại kết quả trái chiều. Nghiên cứu của (Nimtrakoon, 2015) báo cáo rằng, không có mối liên hệ nào giữa IC và giá trị thị trường ở các nước ASEAN, ngoại trừ ở Thái Lan. (Lerro và cộng sự, 2014) kết quả cho thấy, mối quan hệ tiêu cực đáng kể giữa VAIC và giá trị thị trường. (Widarjo, 2011) đã kiểm tra tác động của IC tại thời điểm IPO, IC được đo bằng VAIC cũng không có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả tài chính công ty. Đề tài này kỳ vọng, tìm thấy tác động tích cực đáng kể của thực hành IC đối với hiệu quả tài chính của các công ty niêm yết Việt Nam. Do đó, các giả thuyết nghiên cứu được đặt ra như sau:

Giả thuyết: IC (vốn nhân lực, vốn cấu trúc, vốn quan hệ) có mối quan hệ thuận chiều với hiệu quả tài chính của công ty.

3. Phương pháp nghiên cứu

Mối quan hệ giữa IC và hiệu quả công ty là hai chiều, có bản chất động hơn là tĩnh (Baltagi, 2008). Việc áp dụng các công cụ ước lượng tĩnh như OLS và hiệu ứng cố định (FE), trên các mô hình động sẽ dễ dẫn đến kết quả sai lệch (Wintoki, Linck, & Netter, 2012). Đề tài áp dụng một loạt các thử nghiệm như thử nghiệm OLS động và (Wooldridge, 2002) về tính ngoại sinh nghiêm ngặt, để điều tra sự hiện diện của tính nội sinh. Sau đó, chúng tôi áp dụng ước tính dữ liệu bảng động (Dynamic Panel Data) để điều tra mối quan hệ thực sự giữa IC và hiệu quả của công ty, sau khi xem xét nghiêm túc các vấn đề kinh tế lượng như phương sai thay đổi, tự tương quan và đặc biệt là vấn đề nội sinh.

Một trong những thước đo dựa trên tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất, để đánh giá hiệu quả IC là mô hình VAIC (Pulic, 2000) đo lường sự đóng góp riêng của từng loại nguồn lực tạo ra giá trị gia tăng. VAIC sử dụng dữ liệu báo cáo tài chính để tính toán hiệu quả sử dụng IC của công ty, hữu ích cho việc ra quyết định của ban quản lý. Sau đó, (Nadeem và cộng sự, 2017) đã thực hiện các điều chỉnh bằng cách thay thế vốn cấu trúc bằng vốn đổi mới (được đo lường thông qua chi phí R&D). Họ cũng sửa đổi cách tính VA, bằng cách thêm lại R&D và vốn quan hệ thành mô hình đổi mới A-VAIC. Trong nghiên cứu này, tác giả đo lường hiệu quả tài chính công ty thông qua thước đo tài chính dựa trên dữ liệu kế toán (thước đo lợi nhuận ROA và ROE) và dựa trên dữ liệu thị trường (thước đo thị trường MB). Chúng tôi sử dụng logarit tự nhiên của quy mô tổng tài sản và tỷ lệ nợ (tính bằng Nợ phải trả trên tổng VCSH) làm biến kiểm soát (Bảng 2).

chung2-1-1536x770

Mẫu nghiên cứu gồm 407 công ty niêm yết công khai, trong giai đoạn 2015 – 2019, với 2.035 quan sát, trong khoảng thời gian 5 năm (2015 – 2019), công ty có dữ liệu không đầy đủ cho 5 năm hoặc lợi nhuận âm sẽ bị xóa khỏi mẫu, thu thập dữ liệu từ cơ sở dữ liệu FINPRO. Dựa trên việc tính toán điểm chuẩn VAIC, các công ty có điểm số VAIC trung bình của 5 năm nghiên cứu lớn hơn bốn (4) được xếp vào nhóm công ty tri thức cao và các công ty còn lại không đủ tiêu chuẩn điểm 4, được phân vào nhóm các công ty tri thức thấp (Kamath, 2008). Chúng tôi thực hiện điều này, với mục đích phân cấp mức độ ảnh hưởng khác nhau của IC đến hiệu quả công ty, trên hai nhóm phân cấp tri thức.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1 Thống kê mô tả

chung3-1536x665

Bảng 3 trình bày thống kê tóm tắt các biến số nghiên cứu IC tổng thể cũng như từng thành phần IC cụ thể của các các công ty niêm yết Việt Nam, giai đoạn 2015-2019, theo cả hai mô hình VAIC và VAIC điều chỉnh. Điểm trung bình cho hiệu quả  IC tổng thể được đo theo VAIC là 4,288, có sự phân hóa rõ ràng giữa nhóm các công ty tri thức cao và các công ty tri thức thấp ở điểm số hiệu quả VAIC, tương ứng lần lượt là 7,637 và 2,699. Điều này ngụ ý rằng, các công ty tri thức cao đã sử dụng IC hiệu quả hơn so với các công ty khác, trong cùng thị trường.

Hiệu quả vốn nhân lực HCE ở nhóm các công ty tri thức cao gấp hơn 03 lần so với các công ty tri thức thấp và vượt hơn hẳn mức HCE trung bình toàn thị trường, ngụ ý rằng các công ty tri thức cao đã tận dụng tốt hiệu quả nguồn nhân lực của họ. Thêm vào đó, SCE và RCE của nhóm tri thức cao cũng lớn hơn mức trung bình chung của tổng thể, chứng tỏ động lực tạo ra giá trị của các công ty sử dụng nhiều tri thức nghiêng về phía các loại tài sản vô hình để tìm kiếm giá trị gia tăng. Trong khi chỉ số hiệu quả vốn vật chất CEE thể hiện điều ngược lại, đó là các công ty tri thức thấp sử dụng vốn vật chất nhiều hơn các công ty tri thức cao để hoạt động.

4.2. Kiểm tra chẩn đoán

Chúng tôi áp dụng thử nghiệm đơn vị loại Fisher, để kiểm tra tính dừng của dữ liệu nghiên cứu. Kết quả của kiểm định này cho giá trị p mức 0,000, bác bỏ giả thuyết Ho, cho thấy rằng tập dữ liệu của chúng tôi là dừng. Chúng tôi kiểm tra đa cộng tuyến, thông qua hệ số lạm phát phương sai (VIF) và kết quả cho thấy giá trị cao nhất của VIF là 1.54, điều này khẳng định rằng đa cộng tuyến không phải là vấn đề trong tập dữ liệu của nghiên cứu này. Sau đó, với thử nghiệm Breusch – Pagan, kết quả bác bỏ giả thuyết Ho, xác nhận sự hiện diện của phương sai thay đổi và Kiểm định Wooldridge, một lần nữa bác bỏ giả thuyết không có tự tương quan.

Nghiên cứu này áp dụng công cụ ước lượng GMM hệ thống hai bước của (Arellano – Bond, 1998) để đo lường mối quan hệ động giữa IC và hiệu quả của công ty, vì GMM có thể tạo ra kết quả nhất quán, khi có phương sai thay đổi và giải quyết tự tương quan thông qua sai phân (Baltagi, 2008). GMM có thể kết hợp bản chất năng động của mối quan hệ này cung cấp các công cụ hợp lệ, nhằm giải quyết vấn đề nội sinh.

chung4-1412x1536

Bảng 4 trình bày kết quả, cho thấy VAIC tích cực và có tương quan đáng kể với hiệu quả công ty đo bằng ROA, trên cả hai mô hình VAIC nguyên bản và mô hình VAIC, điều chỉnh ở tất cả các nhóm nghiên cứu. Kết quả này cũng được xác nhận, khi phân loại các công tri theo phân nhóm tri thức. Tương tự, VAIC tích cực và có mối tương quan đáng kể, với hiệu quả hoạt động của các công ty về ROE, MB. Nhìn chung, các kết quả này ủng hộ giả thuyết của chúng tôi rằng, có mối quan hệ thuận chiều giữa IC và hiệu quả tài chính về ROA, ROE, MB. Phát hiện của chúng tôi một lần nữa xác nhận, lý thuyết dựa trên nguồn lực RB cho thấy IC là nhân tố đóng góp quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của các công ty ở TTCK Việt Nam. Kết quả này phù hợp với (Vishnu và Gupta, 2014) và (Lu và cộng sự, 2014) các nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ tích cực giữa IC và hiệu quả của công ty ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi trái ngược với kết quả của (Firer và Williams, 2003) những người tìm thấy mối quan hệ hỗn hợp hoặc không có ý nghĩa giữa IC và hiệu quả hoạt động của công ty ở Nam Phi.

Chúng tôi kiểm định mô hình thực nghiệm với các thành phần riêng lẻ của IC, tức là HCE, SCE là các biến độc lập trong mô hình gốc và HCE, INVCE, RCE trong mô hình điều chỉnh. Theo kết quả từ mô Hình 1, HCE không có mối tương quan đáng kể với ROA và cả ROE, MB, vì hệ số hồi quy không có ý nghĩa thống kê. Nhưng khi thực nghiệm ở mô hình điều chỉnh, phát hiện của chúng tôi khẳng định mối quan hệ tích cực có ý nghĩa của HCE đến cả ROA, ROE và MB. Những phát hiện này ủng hộ giả thuyết thứ hai và phù hợp với (Vishnu và Gupta, 2014) và (Lu và cộng sự, 2014). Tiếp theo, vốn cấu trúc có tương quan thuận và đáng kể với cả ba biến hiệu quả tài chính nói chung, nhưng chỉ thể hiện rõ ở nhóm các công ty tri thức cao đối với ROA, có nghĩa là các công ty tri thức cao có khả năng thực hành vốn cấu trúc cách hiệu quả hơn các công ty khác, xác nhận lý thuyết CV rằng các công ty có thể thu nhận kiến thức mới và chuyển đổi nó sang đổi mới. Chúng tôi tìm thấy mối quan hệ thuận chiều có ý nghĩa thống kê giữa vốn đổi mới tại tất cả các công ty. Điều đặc biệt là, mối quan hệ này chỉ tồn tại tích cực tại các công ty tri thức cao, nghĩa là hoạt động đổi mới đầu tư tài sản nghiên cứu phát triển là động lực gia tăng hiệu quả tài chính. Điều này trái ngược trong các công các công ty tri thức thấp, khi mối quan hệ ngược chiều được tìm thấy trong tác động của vốn đổi mới, đối với ROA và ROE. Các công ty Việt Nam cũng chưa thực sự tận dụng được giá trị độc đáo của vốn quan hệ để gia tăng lợi nhuận, mặc dù lý thuyết các bên liên quan luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ bên trong và bên ngoài công ty (Bảng 5).

chung-5-1536x1247

Các bài kiểm tra GMM hệ thống như AR1 và AR2 thỏa mãn các điều kiện là có tự tương quan bậc nhất nhưng không có tự tương quan bậc hai, đây là điều bắt buộc trong GMM (Arellano & Bond, 1991). Giả thuyết Ho của phép thử Hansen J. là, tất cả các công cụ đều hợp lệ. Giá trị của phép thử này (Bảng 5 & 6) cho thấy rằng, giả thuyết Ho không thể bị bác bỏ. Hơn nữa, kiểm định Hansen khác biệt với giả thuyết Ho rằng tất cả các công cụ đều là ngoại sinh, cũng có giá trị p trên bất kỳ mức ý nghĩa thông thường nào, có nghĩa là giả thuyết Ho này cũng không thể bị bác bỏ. Theo đề xuất của (Roodman, 2006), tính hợp lệ của các các công cụ cũng có thể được xác minh nếu số lượng công cụ ít hơn số nhóm nghiên cứu (số công ty trong tập dữ liệu này). Kết quả cho thấy rằng, số lượng biến công cụ ít hơn số công ty trong mẫu ở tất cả các thông số kỹ thuật.

5. Kết luận

Thứ nhất, kết quả cho thấy mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa giữa hiệu quả IC và hiệu quả tài chính đo bằng ROA, ROE và MB. Có thể nói, sử dụng IC càng hiệu quả thì khả năng sinh lời của DN càng cao. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư, DN và các cơ quan quản lý cần có cái nhìn tổng thể bao quát, đặc biệt chú trọng đến IC khi đánh giá giá trị của tổ chức kinh tế. Các nhà quản lý có thể sử dụng những phát hiện của chúng tôi để tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực vô hình, nhằm xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững dựa trên lý thuyết RB. Hơn nữa, các cơ quan xếp hạng có thể sử dụng các phát hiện của chúng tôi, để đánh giá hiệu quả của IC trong các DN.

Thứ hai, trong các thành phần của IC, mối quan hệ có ý nghĩa giữa IC và hiệu quả công ty ngụ ý rằng, ở Việt Nam, DN cũng cần đề ra các chiến lược quan trọng liên quan đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tương tự cải tiến SCE dẫn đến hiệu quả hoạt động của công ty tốt hơn, thông qua đổi mới sản phẩm và dịch vụ. Nên nhận ra tầm quan trọng của R&D và do đó, tăng cường đầu tư vào vốn đổi mới, để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. R&D đặc biệt quan trọng đối với các ngành cụ thể như công nghệ thông tin và dược phẩm, do đó các cơ quan quản lý của các ngành này nên cung cấp một số khuyến khích đặc biệt như ưu đãi thuế đối với đầu tư vào R&D, để tạo ra nhiều đổi mới hơn trong sản phẩm và dịch vụ (Shah, 2006). Nghiên cứu của chúng tôi cũng cung cấp bằng chứng ủng hộ mô hình VAIC như một thước đo IC phù hợp, các nguồn lực trí tuệ có thể được sử dụng để tăng việc tạo ra giá trị và cũng giảm sự phụ thuộc duy nhất vào các nguồn lực vật chất.

“Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài Khoa học Công nghệ cấp cơ sở của Trường Đại học Quy Nhơn, với mã số T2021.732.35”

Th.S. Lê Thị Mỹ Tú – Khoa Kinh tế và Kế toán – Đại học Quy Nhơn

Th.S. Phạm Nguyễn Đình Tuấn – Khoa Kinh tế và Kế toán – Đại học Quy Nhơn

Th.S. Trần Thị Vũ Tuyền – Khoa Kinh tế và Kế toán – Đại học Quy Nhơn

 

Tài liệu tham khảo

  1. Blundell, R., & Bond, S, (1998), Initial conditions and moment restrictions in dynamic panel data models. Journal of econometrics, 87(1), 115-143.
  2. Bollen, L., Vergauwen, P., & Schnieders, S, (2005), Linking intellectual capital and intellectual property to company performance. Management decision.
  3. Clarke, M., Seng, D., & Whiting, R. H, (2011), Intellectual capital and firm performance in Australia. Journal of intellectual capital.
  4. Firer, S., & Williams, S. M, (2003), Intellectual capital and traditional measures of corporate performance. Journal of intellectual capital.
  5. Hoang, H. T., Nguyen, H. T. H., Vu, N. H., Le, A. H., & Quach, H. H, (2020), Intellectual capital and firm performance in Vietnam 2012-2016. International Journal of Learning and Intellectual Capital, 17(1), 27-46.
  6. Kamukama, N., Ahiauzu, A., & Ntayi, J. M, (2011), Competitive advantage: mediator of intellectual capital and performance. Journal of intellectual capital.
  7. Le, T. D., & Nguyen, D. T, (2020), Intellectual capital and bank profitability: New evidence from Vietnam. Cogent Business & Management, 7(1), 1859666.
  8. Li, Y., & Zhao, Z, (2018), The dynamic impact of intellectual capital on firm value: evidence from China. Applied Economics Letters, 25(1), 19-23.
  9. Lu, W.-M., Wang, W.-K., Tung, W.-T., & Lin, F, (2010), Capability and efficiency of intellectual capital: The case of fabless companies in Taiwan. Expert Systems with Applications, 37(1), 546-555.
  10. Nadeem, M., Gan, C., & Nguyen, C, (2017), Does intellectual capital efficiency improve firm performance in BRICS economies? A dynamic panel estimation. Measuring Business Excellence.
  11. Nhon, H. T., Thong, B. Q., & Van Phuong, N, (2018), The impact of intellectual capital dimensions on Vietnamese information communication technology firm performance: A mediation analysis of human and social capital. Academy
    of strategic management journal, 17(1), 1-15.
  12. Nimtrakoon, S, (2015), The relationship between intellectual capital, firms’ market value and financial performance. Journal of intellectual capital.
  13. Pulic, A, (2000), VAIC™–an accounting tool for IC management. International Journal of Technology Management, 20(5-8), 702-714.
  14. Rahimi, F., Jan, B. B. B., & Baghbanian, M, (2017), Measuring Intellectual Capital using Justified Pulic Model and its effect on the financial performance of listed companies in Tehran Stock Exchange. European Journal of Economic and Financial Research.
  15. Razafindrambinina, D., & Anggreni, T, (2017), Intellectual capital and corporate financial performance of selected listed companies in Indonesia. Malaysian Journal of Economic Studies, 48(1), 61-77.
  16. Sardo, F., & Serrasqueiro, Z, (2017), A European empirical study of the relationship between firms’ intellectual capital, financial performance and market value. Journal of intellectual capital.
  17. Soetanto, T., & Liem, P. F, (2019), Intellectual capital in Indonesia: Dynamic panel approach. Journal of Asia Business Studies.
  18. Susanti, N., Widajatun, V. W., Aji, M. B., & Nugraha, N. M, (2020), Implications of intellctual capital financial performance and corporate values. International Journal of Psychosocial Rehabilitation, 24(07).
  19. Sveiby, K. E, (1997), The intangible assets monitor. Journal of human resource costing & accounting.
  20. Thien, T. H, (2019), Mediating effect of strategic management accounting practices in the relationship between intellectual capital and corporate performance: evidence from Vietnam. University of Economics Ho Chi Minh City.
  21. Vishnu, S., & Gupta, V. K, (2014), Intellectual capital and performance of pharmaceutical firms in India. Journal of intellectual capital.
  22. Xu, J., & Wang, B, (2018), Intellectual capital, financial performance and companies’ sustainable growth: Evidence from the Korean manufacturing industry. Sustainability, 10(12), 4651.
  23. Zhang, X.-B., Duc, T. P., Burgos Mutuc, E., & Tsai, F.-S, (2021), Intellectual Capital and Financial Performance: Comparison With Financial and Pharmaceutical Industries in Vietnam. Frontiers in Psychology, 12, 854.
Sudo Ecommerce
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Liên kết Website

partner-02
partner-01
partner-06
partner-04
z4967418710663-050c458c747fadd9be8b2038ca122484

Thông báo